Làm gì khi chồng thất nghiệp?


Lam gi khi chong that nghiep
Ảnh minh họa
Việc người chồng rơi vào cảnh thất nghiệp thường không chỉ đơn thuần là chuyện tiền bạc, sa sút thu nhập của cả gia đình. Đây cũng chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của hôn nhân.
Sau 7 năm êm ấm, gần đây vợ chồng Dũng - Hằng rất hay cãi vã. Có hôm chỉ vì bình luận một chi tiết trên phim, hai người to tiếng rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, tới mức ngủ riêng cả tuần. Căng thẳng gia tăng kể từ khi Dũng mất việc.
Hiểm hoạ tiềm tàng
Từng là công chức nhà nước, Dũng đã xin nghỉ, chuyển sang làm cho một công ty tư nhân, thu nhập cao hơn nhưng cũng không ổn định từ đấy. Lần mất việc này đã là lần thứ ba kể từ khi anh rời cơ quan cũ. Hai lần bất mãn với sếp, Dũng tự xin nghỉ. Lần này, anh lại xui xẻo rơi vào công ty sân sau của một đại gia bị pháp luật sờ gáy.
Hằng như mất hết kiên nhẫn bởi sau ba tháng trời vẫn tiếp diễn cảnh "cho anh vài trăm" hay "còn tiền lẻ không em?" mỗi sáng. Mệt mỏi, thêm ngứa mắt khi về nhà nhìn thấy ông chồng đang ngủ hay la cà với bạn ngoài quán, Hằng chán nản với cảm giác đang mang gánh nặng trên vai.
Hầu hết những nỗi ấm ức Hằng đều cảm thấy khó nói ra. Sự so sánh luôn hiện lên trong đầu cô. Trong khi đó, Dũng cũng chán nản, xấu hổ và trở nên dễ tự ái khi vợ xẵng giọng. Nhiều lúc anh thấy sợ gia đình, xấu hổ với các con và không muốn về nhà. Bất cứ chuyện gì, kể cả việc nhỏ nhặt cũng có thể trở thành ngòi nổ, khiến cả hai giận dỗi.
Hoạ vô đơn chí, việc chồng rơi vào cảnh thất nghiệp thường không chỉ đơn thuần là chuyện tiền bạc, sa sút thu nhập của cả gia đình. Đây cũng chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của hôn nhân. Khác với phụ nữ, tất cả đàn ông đều coi công việc là sự thể hiện bản lĩnh và giá trị bản thân. Khi thất nghiệp, cảm giác thất bại thậm chí còn lớn hơn cả nỗi lo lắng về thu nhập.
Hơn lúc nào hết, khi thất nghiệp, tính tự ái khiến anh ta rất dễ bị tổn thương. Nếu vợ không quan tâm và ủng hộ trong thời điểm này, ông xã dễ chán ghét gia đình. Tình trạng thất nghiệp cũng thúc đẩy người đàn ông đến ngoại tình, ngang với tất cả các lý do khác cộng lại. Khi cảm giác không còn giữ được thể diện với vợ, người chồng mất việc luôn có xu hướng tìm nguồn vui, niềm an ủi hoặc tán tụng, dù là giả tạo, ở nơi khác. Ông chồng thất nghiệp còn trẻ càng dễ bị mua chuộc.
Tháo ngòi nổ xung đột
Thực tế là, lúc phụ nữ thất nghiệp, mọi việc dường như nhẹ nhàng hơn do cả hai dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh vợ tạm thời ở nhà chăm sóc con cái và làm việc nội trợ. Nhưng khi chồng thất nghiệp, sự buồn chán, va chạm lại dễ kéo theo cả tá kẻ thù giết chết hôn nhân. Trong tình cảnh trớ trêu đó, người vợ đừng nên quá sợ hãi, lo lắng, bởi điều đó không giúp vợ chồng bạn tìm ra lối thoát mà chỉ gây thêm áp lực tâm lý cho chồng. Một khi áp lực quá lớn, anh ấy rất dễ áp dụng các biện pháp tiêu cực. Người vợ nên động viên chồng, thua keo này ta bày keo khác, rồi gia đình sẽ vượt qua khó khăn.
Không một người chồng nào có thể quên cảm giác yên tâm khi có chỗ dựa tinh thần chính là vợ mình. Bạn nên đưa ra nhiều ý kiến có tính chất xây dựng như động viên chồng tham dự các cuộc phỏng vấn tìm việc. Người phụ nữ tế nhị, khéo léo sẽ không chê bai những việc đơn giản, thu nhập thấp của chồng.
Cuối cùng, hãy nói một cách chân thành với chồng rằng, cho dù có việc làm hay không thì bạn vẫn tôn trọng và yêu anh. Khi tiến đến hôn nhân, bạn chắc đã nghĩ cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bạn muốn một người chồng là chỗ dựa và ngược lại anh ấy cũng vậy. Bạn chính là chỗ dựa tin cậy khi anh ấy khó khăn. Anh ấy có thành công hay không, luôn có phần đóng góp quan trọng nhất của bạn.

Theo MINH PHÚC - Sài Gòn tiếp thị