Không mặt bằng, nhà xưởng, cũng chẳng có văn phòng, các hoạt động mua bán vẫn diễn ra sôi động... Thời buổi kinh tế khó khăn vẫn có nhiều cách kiếm tiền mà chẳng tốn quá nhiều công sức.
Thay vì tự kinh doanh, nhiều người có nhà mặt phố đã cho thuê cửa hàng. Ảnh: Xuân Ngọc |
"Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, học hành bình thường, online là chính", 2 tháng nay, Hải, sinh viên Đại học Công nghệ Thông tin áp dụng triệt để câu nói này vào các sinh hoạt thường nhật của mình. Hải lên mạng chẳng phải để chat chít với bạn bè mà là để treo website của một công ty máy tính trên status của cậu để được nhận thù lao 200.000 đồng một tháng.
Là sinh viên, thời gian rảnh rỗi nhiều, làm thêm cũng là cách để Hải tránh sa đà vào những trò chơi vô bổ. Hải kể, để được chọn làm đối tác quảng cáo website cho công ty phải đảm bảo điều kiện: online ít nhất 2 giờ mỗi ngày, có khoảng 100 nick chat trong danh sách bạn bè... Phí trả cho mỗi nick chat như vậy là 10 USD, tương đương với hơn 200.000 đồng một tháng. Nhận thấy công việc này cũng khá đơn giản mà kiếm được đồng ra đồng vào nên Hải ký hợp đồng làm ngay.
Ngoài việc treo website quảng cáo cho doanh nghiệp trên status của Yahoo!, Hải còn làm nhiệm vụ "up" các tin quảng cáo trên các trang rao vặt miễn phí khác. Công việc của Hải khá đơn giản, gồm vào mạng, copy các nội dung quảng cáo do đối tác gửi rồi bắn lên các trang rao vặt miễn phí. Để thông tin không bị trôi xuống dưới, cứ khoảng 10 phút, Hải lại bấm chuột để đẩy lên cao hơn.
"Đôi khi em gọi đùa công việc mà mình đang làm là 'Ăn - up và up rồi lại ăn'", Hải chia sẻ.
Hải cho hay những công việc kể trên không ảnh hưởng đến học tập mà giúp cậu kiếm thêm mỗi tháng vào khoảng 1,5-2 triệu đồng. Số tiền này đủ cho Hải trang trải tiền học phí và sinh hoạt ăn uống mà không cần phải xin thêm của gia đình.
Nhiều nhân viên công sở cũng chọn cộng đồng mạng làm nơi kinh doanh, vừa vui vừa có thêm thu nhập. Chị Thu, nhân viên hãng viễn thông di động ở Hà Nội cũng mở một shop bán hàng quần áo trên mạng.
Lịch làm việc của chị Thu được phân bố khá đều đặn, đầu giờ sáng, cô bắt đầu vào mạng online, treo đường link website dẫn tới quầy hàng của mình. Sau đó, chị lướt qua một vòng xem cách bài trí sản phẩm đã thực sự phù hợp, giá cả đã niêm yết đúng, rồi mới bắt tay làm việc cơ quan.
Thi thoảng chị lại mang theo một túi đồ nặng trịch quần áo để giao cho khách đặt online, và cũng để bán luôn cho các chị em trong phòng. Ngoài quần áo, túi xách, chị còn kinh doanh cả phụ kiện cho chị em như vòng, nơ, bông tai và thắt lưng...
"Nói tóm lại là tất cả những gì chị em trong công ty thích, tôi đều tìm nguồn hàng để bán. Buôn có bạn, bán có phường, nhiều chị em trên mạng cũng mách nước nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi", chị nói.
Theo chị, trên cộng đồng mạng rộng lớn không thiếu gì việc cho mọi người cùng tham gia, căn bản là người làm phải kiên trì. "Từ hồi tham gia bán hàng trên mạng, tôi bỏ hẳn thói quen ngủ trưa, thức cũng muộn hơn để dành thời gian giao dịch với khách hàng", chị nhấn mạnh. Mỗi tháng, chị kiếm thêm từ gian hàng trên mạng vào khoảng 8 triệu đồng.
Các gia đình trong ngõ nhỏ cũng ồ ạt kinh doanh nhà trọ. Ảnh: Xuân Ngọc. |
Cô Yên, chủ một nhà trọ trong ngõ, trên đường Cầu Giấy cho biết, mỗi tháng gia đình cô thu nhập được gần 70 triệu đồng từ việc cho sinh viên thuê trọ.
Nhà Yên có 5 tầng, mỗi tầng 6 phòng khép kín, phòng rẻ nhất giá là 1,8 triệu, gồm 10 căn ở đầu và cuối mỗi dãy. Còn lại có giá 2,5 triệu đồng. Như vậy, một tháng, cô cũng thu nhập tới 68 triệu đồng. "Mỗi phòng rộng 15-20 m2, ở được 3-4 người, tôi chỉ cho sinh viên thuê, từ ba năm nay chưa bao giờ có phòng nào trống quá chục ngày", cô Yên nói.
Không riêng cô Yên, nhiều chủ nhà khác cũng kiếm được số tiền kha khá từ việc cho thuê. Bản thân họ cũng nhận định rằng, giữa thời buổi kinh tế khó khăn, có nhà cho thuê hiện nay đang là thượng sách. “Nhà có cửa hàng nhưng tôi cũng chẳng kinh doanh, đau đầu mà chưa biết lãi lời thế nào. Cứ đem cho thuê, tháng thu 15 triệu đồng, lại không lo đóng thuế”, bác Tiến, chủ sở hữu một căn nhà trên phố Tuệ Tĩnh chia sẻ.
Không chỉ hưởng lợi nhuận từ tiền cho thuê nhà, các chủ nhà trọ còn kiếm được một khoản không nhỏ từ việc kinh doanh điện, nước... Mức giá áp dụng hiện nay tại hầu hết các nhà trọ là 3.500-4.000 đồng mỗi số điện và 50.000 đồng tiền nước một người hoặc 20.000 đồng mỗi khối nước, gấp 3 lần giá bán của Nhà nước.
Những người bán quán bình dân cũng “phất” hơn nhờ bão giá. Cô Nguyễn Thị Lan, bán cơm bình dân gần Đại học Bách Khoa tâm sự, cửa hàng của cô ngày càng đông khách. Cô kể, không chỉ sinh viên, nhiều dân công sở cũng thường xuyên lui tới tiệm cơm của cô.
Nhiều khách đến ăn nhận xét đồ ở đó vừa ngon vừa rẻ. Cơm văn phòng giá đắt gấp đôi nhưng chỉ được vẻ bóng bẩy, lịch sự. Chi tiêu ngày càng đắt đỏ nên hầu như ai cũng muốn tiết kiệm hơn. Chỉ những dịp thật cần thiết, mọi người mới lui đến những chốn sang trọng, đắt đỏ.
Điều này cũng khiến công việc của cô được cải thiện đáng kể. “Thực phẩm đắt nên tôi cũng phải tăng giá mỗi suất thêm 2.000 đồng. Nhưng như thế vẫn còn rẻ bằng nửa cơm nhà hàng. Bão giá, tưởng làm ăn khó khăn, không ngờ khách đến còn tăng 20% so với ngày trước”, cô Lan bật mí.
Hồng Anh - Xuân Ngọc