cây nhân trần Truyền thuyết về cây nhân trần

Truyền thuyết về cây nhân trần

Truyền thuyết về cây nhân trần
Danh y Hoa Đà từng bó tay trước một ca bệnh nặng. Một năm sau gặp lại, ông thấy cô gái này rất khỏe mạnh, tươi tắn. Hỏi ra, khi đào rau núi ăn cho qua đợt đói kém, cô đã tình cờ ăn một loài cây, đó là nhân trần.
Chuyện xưa kể rằng: Vào mùa xuân năm ấy, có một nữ bệnh nhân tìm gặp danh y Hoa Đà để chữa bệnh. Nhìn thân hình gầy như que củi, sắc mặt vàng vọt, niêm mạc hai mắt mang màu mơ chín, Hoa Đà tiên sinh biết rằng cô gái này bị chứng "hoàng lao bệnh" hay "hoàng đản bệnh", căn bệnh mà ngày nay y học hiện đại gọi là viêm gan vàng da. Thời đó, chứng bệnh này chưa có cách chữa nên Hoa Đà đành nói: "Căn bệnh này tôi không chữa được, cô hãy về đi!". Cô gái nghe vị danh y nói vậy đành ngậm ngùi trở về nhà và cũng không nghĩ chuyện đi tìm thầy khác chữa bệnh nữa.
Một năm trôi qua, tình cờ gặp lại, nhìn thấy cô gái thân hình béo tốt, sắc mặt hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, Hoa Đà rất đỗi ngạc nhiên, hỏi: "Cô đã tìm được ai để chữa bệnh vậy?". Cô gái lắc đầu: "Không ạ, cháu không uống thuốc của ông lang nào cả". Hoa Đà lại hỏi: "Vậy có tự dùng thuốc gì không?". Cô gái đáp: "Không, cháu cũng không dùng thuốc gì cả".
Hoa Đà tiên sinh trong lòng đầy nghi ngờ, tự hỏi: Bệnh nặng mà không dùng thuốc thì làm sao có thể khỏi được? Vì vậy, ông lại gặng hỏi: "Cô thử nghĩ kỹ xem, hằng ngày ngoài việc dùng cơm có còn ăn thứ gì khác nữa không?". Cô gái đáp: "Không ạ. Mấy năm nay đói kém, cơm gạo chẳng đủ, cháu phải lên núi hái rau dại để ăn". Nghe vậy, Hoa Đà vội nhờ cô gái dẫn đi xem loại rau đó. Thì ra đó chính là hoàng cao đầu, một vị thuốc khá quen thuộc.
Từ đó trở đi, Hoa Đà chú tâm nghiên cứu khả năng chữa trị của hoàng cao đối với chứng bệnh viêm gan vàng da. Nghe theo lời khuyên của ông, hầu hết bệnh nhân đều khỏi chỉ bằng việc dùng hoàng cao làm rau ăn trong một tháng. Tuy nhiên, một lần, một bệnh nhân mặc dù đã làm đúng theo lời Hoa Đà dặn, ăn rau thuốc mấy tháng liền mà bệnh vẫn không khỏi. Hoa Đà tìm gặp và hỏi: "Ngoài việc dùng hoàng cao ra anh có ăn thứ gì khác không?". Người bệnh nói: "Không ạ, cháu chỉ uống nước trắng thôi". Hoa Đà lại hỏi: "Vậy anh ăn hoàng cao vào thời gian nào?". Người bệnh đáp: "Vào khoảng trước sau tiết Thanh minh".
Sau nhiều ngày suy ngẫm, vị danh y chợt nhận ra rằng: Mùa xuân là giai đoạn dương khí thượng thăng, cây cối đâm chồi, trăm hoa đua nở, sức thuốc tập trung ở thân và cành nên chữa bệnh có hiệu quả cao, từ đầu hạ trở đi cây cối ra lá và mọc cành mới, dược lực phân tán nên trị liệu ít kiến hiệu. Năm sau, trước tiết Thanh minh, ông tự mình lên núi lấy hoàng cao về cho người bệnh này ăn, quả nhiên chỉ sau một tháng, bệnh tình thuyên giảm rõ rệt, dùng thêm một tháng nữa bệnh cơ bản khỏi.
Hoa Đà mừng khôn xiết và từ đó, cứ vào 3 tháng đầu năm, ông thường lên núi thu hái hoàng cao về tích trữ dùng dần. Sau này, để tránh nhầm lẫn, ông đặt cho cây thuốc này một cái tên mới gọi là "nhân trần".
Cách dùng trà nhân trần
Nhân trần 30g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, pha thêm một chút đường phèn uống thay trà trong ngày, dùng phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra, điều trị viêm gan cấp và mạn tính.
Nhân trần 300g, sinh địa hoàng 60g , trà 30g. Ba vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10-15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính.
Bạch hoa xà thiệt thảo 500g, nhân trần 150g, sinh cam thảo 50g. Tất cả thái vụn, mỗi ngày lấy 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.
Mạch nha 500g, nhân trần 500g, quất bì 250 g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng trị viêm gan giai đoạn di chứng có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu.
Râu ngô 300g, nhân trần 150g, bồ công anh 150g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng để phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật...
(Theo SK & ĐS)

Nhân trần - Vị thuốc chữa gan dễ kiếm

Nhân trần - Vị thuốc chữa gan dễ kiếm
"Chè nhân trần" là một thức uống phổ biến vào mùa hè nóng nực của nhiều người. Uống nước nhân trần không bị sôi bụng, lạnh bụng, không sợ mất ngủ, không lo...tốn tiền nữa!
Nhân trần Nam còn gọi là hoắc hương núi, họ hoa mõm chó, có tên Latin là Adenosma cacruleum. Khi khô màu nâu sẫm, mùi thơm hắc, khác với nhân trần Bắc họ cúc màu xám hơi vàng, mùi thơm nhẹ.
Ở Việt Nam thường thấy nhân trần mọc hoang nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang... Ở miền Trung, nhân trần có ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế...
Lượng nhân trần được khai thác và sử dụng hàng năm khoảng 30 tấn.
1. Thu hái: Nhân trần mọc tự nhiên hoặc gieo hạt và mùa xuân (tháng 3), sau 3-4 tháng cây bắt đầu ra hoa, đó là lúc thu hái được. Người ta loại bỏ rễ, chặt từ 3-5cm phơi khô là có thể dùng được.
2. Tác dụng: Nhân trần là cây có chứa tinh dầu nên bảo quản tương đối dễ. Tuy vậy cần tránh ẩm, nóng làm cho cây bị mốc và lượng tinh dầu giảm. Theo y học cổ truyền: Nhân trần có vị đắng, cay, tính bình vào các kinh tỳ, can, đởm, có thể thanh nhiệt, lợi thấp, hành khí, chỉ thông, lợi tiểu, làm ra mồ hôi.
Là vị thuốc dân gian dùng chữa gan rất phổ biến có tác dụng tốt, rẻ tiền, dễ kiếm và không bị ngộ độc! Ngoài ra dùng chữa viêm da (viêm gan hoàng đản), sốt nóng không rõ nguyên nhân, tiểu tiện vàng, són...và với phụ nữ Việt Nam thì nhân trần (cùng với ích mẫu) là vị thuốc không thể thiếu được sau khi sinh nở. Nó giúp phụ nữ Việt Nam sau khi đẻ ăn ngon, chóng lại sức. Chả thế mà dân gian lại có câu:
Nhân trần - Ích mẫu đi đâu
Để cho gái đẻ đớn đau thế này
Liều dùng : 20g/ngày, có thể kết hợp với ích mẫu sắc uống.
Với động vật: Nhân dân dùng nhân trần chữa bệnh trâu bò bị chướng bụng và phân trắng.
Dùng ngoài: Nước sắc nhân trần có thể chữa mẩn ngứa do côn trùng hoặc đun với cây chân vịt trắng, chữa sẩn ngứa cho người nuôi vịt lội nước bị mụn nhọt.
Theo nghiên cứu khoa học
- Nước nhân trần có tác dụng tăng bài tiết mật, chống viêm nhất là với các bệnh về gan mật, nhân trần được dùng như một cứu cánh vậy!
 
Nhân trần phơi khô đun lấy nước uống rất tốt
- Trong thời đại hiện nay, các quý ông thường hay say sưa với rượu, bia... gây nên bệnh viêm gan do bia rượu rất phổ biến. Xin chị em hãy chuẩn bị cho chồng mình một chai nước nhân trần uống hàng ngày sẽ giảm phần nào tác hại của rượu đến lá gan của ông xã.
- Nhân trần 20g, hạt muồng sao 10g, cam thảo sống 2g (vài lát), rau má khô 10g sắc lên cho chồng uống hàng ngày.
Bài thuốc chữa vàng da
1. Chữa sốt vàng da (viêm gan hoàng đản cấp): Nhân trần 20g, hạt dành dành sao 12g, đại hoàng (sao rượu) 4g. Hậu phác 8g, chi xác 8g, rễ cỏ gianh hoặc râu ngô 10g. Sắc uống hàng ngày.
2. Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng bứt rứt: Nhân trần 1 nắm, hành tăm 1 nắm (lấy cọng trắng). Sắc lấy nước uống nguội.
3. Kết hợp chữa mắt sưng, đỏ, đau: Nhân trần, mã đề mỗi thứ một nắm sắc uống cho tới khi hết đau.
4. Chữa viêm gan mãn: Xin giới thiệu bài thuốc được dùng trong hơn 40 năm dùng chữa viêm gan mãn thu được kết quả khả quan:
Nhân trần nam 15g (nhân trần bắc 12g), chi tử sao rượu 8g, chi xác sao 12g, bạch linh 15g, bạch thược 15g, thương thuật sao 15g, trạch tả sao 15g (sao với muối 5%), sài hồ bắc sao dấm 10g, sa sâm 20g, ngũ vị sao dấm 6g.
Sắc ngày 1 thang, uống liên tục 30-45 thang chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Nếu bệnh nhân có men gan cao do rượu bia hay các nguyên nhân khác đều có thể dùng tốt. Nếu cấp tính trong y học hiện đại thường dùng truyền huyết thanh, tiêm kháng độc tố... nếu kết hợp bài thuốc này, bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh hơn.
(Nguồn Tintuconline)