Chữa bệnh bản năng


Những hành vi chữa bệnh đầu tiên của con người bắt đầu từ bản năng. Biểu hiện của hành vi đó là sự thèm khát: thèm ăn, thèm uống, thèm chua, thèm mặn… rất tự nhiên, đó là đặc tính sinh tồn của mọi loài, mọi cá thể động vật.
Diệp Hạ Châu - Phyllanthus Con chó sau khi sinh đẻ thèm ăn cây cỏ, gặp cây thích hợp với sự thèm thuồng đó là cây “chó đẻ” (Phyllanthus urinaria L). Con chó chưa đủ ý thức để coi đó là vị thuốc để chữa táo, kiết, hay lợi tiểu.
Người ta quan sát được hành vi này bắt chước và phát hiện đó là một vị thuốc để chữa bệnh về gan, về tiêu hóa với tên thuốc là “Diệp hạ châu”. Còn đối với con chó, đó là bản năng sẵn có. Đấy cũng chính là cách chữa bệnh bản năng.
Con hươu, con nai vì thèm muối, chúng tìm đến các nương rẫy mới đốt để ăn tro tàn của cỏ cây, vì trong tro than ấy có nhiều muối Kali, muối Natri.
Con người sống trên các vùng rừng núi xưa, vì thiếu muối cũng có các hành vi tương tự: đốt cỏ tranh lấy tro, hòa vào nước, sau đó lọc trong, cô lấy muối.
Thời kháng chiến chống Mỹ, quân đội và cán bộ giải phóng cùng với nhân dân các dân tộc trên dẫy núi Trường Sơn cũng đã từng phải lấy muối như thế khi bị địch bao vây phong tỏa tiếp tế.
Người phụ nữ mang thai vì đòi hỏi bản năng mà ăn dở, thèm của chua (sấu, khế…), thèm của chát (chuối xanh, búp ổi), thậm chí thèm đất vách, gạch non, vôi trát tường… Sự thèm khát tự nhiên như vốn có của trời đất.
Hành vi chữa bệnh theo bản năng còn xuất phát từ bản năng tự vệ của chung các động vật, ví dụ như: ngứa thì gãi, đau thì xoa. Con trâu vì có nhiều rận, rệp ký sinh mà đứng ung dung gặm cỏ mặc cho các chú chim khách đến ăn các con rận, rệp khắp trên người.
Hành động chữa bệnh tự nhiên này ở các bầy khỉ, vượn lại khác. Chúng bắt chấy, rận cho nhau vừa để chữa bệnh, vừa để bày tỏ tình thân hữu.
Con cá vược to há miệng cho lũ cá vệ sinh vào dọn sạch các thức ăn ôi thiu ở răng, đó là cách chữa bệnh bản năng.
Hoàn Ngọc - Lá khỉ Con khỉ khi bị thương, chúng lấy lá nhai nát và đắp lên vết thương để cầm máu. Con người đã bắt trước khỉ tìm được loại lá chữa bệnh đặt tên là lá “con khỉ”, lá “tu lình”… Trong dân gian nhiều cùng thôn dã hiện nay vẫn còn cách nhai lá đắp lên vết đứt tay, đắp lên mụn nhọt, đinh độc…
Tìm lá, nhai, đắp… là hành động chữa bệnh bằng cây cỏ sơ khai nhất. Bắt nguồn từ đó với hàng triệu năm phát triển mà loài người ngày nay có một kho tàng y học dân gian khổng lồ.
Khỉ mẹ, khỉ con Người vượn khi đuổi bắt mồi hoặc bị kẻ thù mạnh hơn tấn công phải chạy trốn, các bó cơ ở chân năng lượng (ATP – Adenosine triphosphate) bị cạn kiệt, co cứng, gây nên tình trạng chuột rút. Phản ứng tự nhiên là lấy tay cào cấu rồi đến dùng đã nhọn, gai, que nhọn đầu đâm vào vào vùng bị co cứng ấy. Hành vi mang tính phản xạ tự nhiên rất bình thường này đã giúp tìm ra các vị trí cố định gọi là huyệt và từ đó ra đời cả một nền y thuật là thạch châm, trúc châm và đến xoa bóp bấm huyệt và châm cứu hiện đại ngày nay.
Chúng ta có thể tìm ra rất nhiều ví dụ về bản năng chữa bệnh của động vật và con người.
Xuất phát từ bản năng sẵn có của muôn loài ấy, với cơ cấu bộ não thông minh, hoàn hảo của loài người mà y học đã phôi thai và phát triển.