Chỉ đến khi lấy chồng, trải qua bao nhiêu sóng gió, chị mới nhận ra rằng: hôn nhân không phải là trách nhiệm của riêng phái nào mà là người này dựa vào vai người kia và ngược lại.
Chồng chị biết cách kiếm tiền, và đó là một lợi thế lớn, giúp chị có được những tháng ngày thảnh thơi, hạnh phúc hơn bạn bè của mình. Chị không thể tưởng tượng ra cảnh hai vợ chồng mới cưới phải chui ra, chui vào một căn phòng trọ nhỏ tí xíu, rồi lại lăn lộn kiếm ăn từng bữa. Hạnh phúc chắc chắn sẽ không lui tới nhiều những căn nhà như thế. Hạnh phúc cần phải có không gian rộng lớn và có nhiều tiền để phục vụ cho các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Hôn nhân không phải là trách nhiệm của riêng phái nào mà là người này dựa vào vai người kia và ngược lại. (ảnh minh họa)
Cũng không biết từ khi nào chị tự cho mình cái đặc quyền “dựa dẫm” vào chồng như thế. Việc gì khó khăn, nặng nhọc, chị cũng “nhường” cho chồng, bảo rằng đấy là việc của đàn ông. Gặp khó khăn, mệt mỏi ở cơ quan, chị về nhà và liên tục ca thán, kể lể với chồng: “Em mệt mỏi quá anh ạ. Sao cái số em vất vả thế cơ chứ!”. Chồng có biểu lộ chút thái độ mệt mỏi, chán chường khi nghe vợ kể lể, chị lại nước mắt ngắn dài: “Anh làm sao thế? Sao chẳng làm chỗ dựa cho em mỗi khi khó khăn gì cả. Em đúng là không có số nhờ chồng”.
Đôi khi, chồng chị mệt mỏi đến mức không muốn về nhà. Sống với nhau bao nhiêu năm, vậy mà chưa lần nào anh được vợ hỏi han về tình hình công việc. Cứ cuối tháng, chị lại vào phòng làm việc của chồng quét dọn, tiện thể hỏi về thu nhập tháng này. Chị hỏi cụ thể đến mức có lần anh định nhờ kế toán làm bảng kê khai thu nhập để… “trình” vợ cho khỏe.
Chị đã từng trao hết mọi gánh nặng của gia đình cho anh tự gánh vác. (ảnh minh họa)
Thế là anh phải tự mình xoay sở. Buồn vì vợ mà không biết nói cùng ai, chỉ biết cắm đầu vào công việc và lang thang trên mạng. Vợ chồng ngồi lại với nhau chỉ biết nói đến chuyện tiền bạc, mua đất, mua nhà… Một câu động viên, an ủi chị cũng không nói với anh, vì chị luôn nghĩ, đàn ông phải luôn luôn cứng cỏi, phải làm chỗ dựa cho phụ nữ, họ không thể yếu đuối, suốt ngày than vãn và mệt mỏi được.
Nhưng chồng chị không phải là một “lực sĩ”, lại càng không phải là một tảng đá vô tri. Anh khao khát có cái cảm giác được sẻ chia với một ai đó - cái cảm giác thầm thì vào tai người mình yêu và được nhận lại những cử chỉ dịu dàng. Mà chị thì chẳng bao giờ cho phép anh được “yếu đuối” trước mặt mình. Lúc nào anh cũng phải gồng mình lên để chứng tỏ vai trò làm chồng. Với chị, một người đàn ông đúng nghĩa phải là một người biết kiếm tiền, không bao giờ khóc lóc, mệt mỏi, thoái chí hay kể lể. Do đó, chỉ có vợ mới được phép “dựa dẫm” vào chồng chứ không có chuyện ngược lại.
Như một quy luật bù trừ tự nhiên, anh tìm đến với một người đàn bà khác để được trải nghiệm cảm giác mình đang khao khát, dù vẻ bề ngoài của người ấy chẳng có gì nổi bật so với vợ anh. Chị biết chuyện, tìm đến người đàn bà kia nói chuyện “phải trái” mất một thời gian dài.
Giờ thì chị hiểu, khi chúng ta biết dựa vào vai nhau, cuộc sống sẽ bớt đi những gánh nặng. (ảnh minh họa)
Chị làm lơ về “cơn say nắng” của chồng và bắt đầu thay đổi dần dần. Chị hỏi han và quan tâm đến anh nhiều hơn. Anh đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi ngày nào về nhà cũng nhận được ánh mắt dịu dàng, những lời hỏi han ân cần của vợ. Có hôm vào phòng làm việc, anh còn thấy những mẫu giấy sticker vợ dán ở trên bàn. Nào là: “chồng ơi! Đừng thức khuya nhé”, “Chồng yêu! Em xin lỗi”. Và cũng không biết từ bao giờ, chị đã chịu khó lắng nghe anh chia sẻ về những khó khăn ở công ty mà không một lời phàn nàn.
Cuộc sống vợ chồng của chị bây giờ đã hạnh phúc nhiều hơn. Anh quên hẳn “cơn say nắng” lúc nào không hay và toàn tâm toàn ý lo cho vợ con. Chị cũng không ngờ cái cảm giác để chồng “làm trẻ con”, “dựa dẫm” vào mình lại thú vị và yêu thương đến thế. Đi qua nhiều niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống vợ chồng, chị nhận ra rằng, không phải vợ hay chồng phải đảm nhận trách nhiệm trụ cột trong hôn nhân mà cả hai phải cùng chung tay xây dựng. Bởi khi chúng ta biết dựa vào vai nhau, cuộc sống sẽ bớt đi những gánh nặng.