Cây thuốc chữa sốt xuất huyết

Vào những năm 70 thế kỷ trước, dịch sốt xuất huyết xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong nước, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Thuốc tây và dịch truyền lúc bấy giờ rất hiếm hoi, chỉ dựa vào thuốc nam là chính để dập nhanh các ổ dịch, hạn chế tỷ lệ tử vong. Nhiều dược sĩ, y bác sĩ trong nước lúc bấy giờ đã sử dụng một số bài thuốc nam để điều trị bệnh sốt xuất huyết rất có hiệu quả.

Những bài thuốc ấy gồm có 3 nhóm chính, đó là: nhóm bảo vệ thành mạch, cầm máu: có hoa hòe, cỏ nhọ nồi; nhóm kháng sinh: có rau má, sài đất; nhóm giải độc, hạ sốt, an thần kinh: có cỏ mần trầu, cam thảo đất, lạc tiên.
Trong những cây thuốc nam được sử dụng có 2 cây đáng chú ý:
Cây nhọ nồi
Còn có tên gọi khác cỏ mực, hạn liên thảo. Thành phần hóa học có ancaloid (eclipti), cumarinlacton (wedelacton), tinh dầu, chất đắng, caroten. Cây nhọ nồi dùng tươi hoặc phơi khô. Nhọ nồi có tính hơi ngọt, mặn, mát, đi vào 2 kinh can, thận. Tác dụng lưu thông huyết, bổ thận, ích âm. Chủ trị can, thận, âm hư, chảy máu, sốt cao chưa rõ nguyên nhân, ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, xuất huyết nội tạng, chảy máu ngoài cơ thể, rong kinh, băng huyết, ban sởi, ho hen, viêm họng, bỏng, nấm da, tưa lưỡi. Ngày dùng điều trị từ 12-20g dạng thuốc sắc. Trong dân gian, khi có sốt xuất huyết hoặc chảy máu cam dùng nhọ nồi tươi giã vắt lấy nước uống trong ngày.
Lưu ý, nhọ nồi không được dùng cho người có rối loạn chức năng tiêu hóa như đầy bụng, chậm tiêu hóa, đại tiện phân loãng...
Hoa hòe



Tên khác là hòe mể, hòe hoa. Hoạt chất chủ yếu là rutin. Hoa hòe có hai loại: hòe nếp và hòe tẻ. Hòe nếp có hàm lượng rutin cao hơn hòe tẻ, và có cành nhiều hơn hòe tẻ. Hoa hòe có tác dụng làm giảm tính thấm của các mao mạch; là chất kháng oxy. Hoa hòe bảo vệ adrenalin trong tuần hoàn, đồng thời có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch, còn có tác dụng co mạch trực tiếp hệ mao quản, làm giảm thẩm thấu của mao quản. Ngoài ra, rutin còn làm tăng trương lực tĩnh mạch, cũng có sức bền thành mạch, hạn chế suy yếu tĩnh mạch ở người cao tuổi. Nụ hòe có vị đắng, tính bình, vào các kinh, vị, có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, tác dụng tốt trong điều trị cao huyết áp, chảy máu cam, ho ra máu, băng huyết, chữa trĩ. Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc hoặc hãm nước sôi, trong tây y hoa hòe được làm thuốc giảm tính thấm và tăng sức bền vững mao mạch, giảm trương lực cơ trơn, chủ yếu dùng điều trị và dự phòng các tính sốt xuất huyết, chảy máu cam, xơ vữa động mạch do cao huyết áp trong nhóm mỡ cao trong máu, ngoài ra còn điều trị thương tổn do nhiễm xạ, chống dị ứng. Rutin cấm chỉ định cho người có rối loạn cơ chế tăng đông và tắc nghẽn mạch.
Ngoài ra, rau má, sài đất, cam thảo đất và lạc tiên đều cùng có tác dụng điều trị sốt xuất huyết do muỗi truyền, tăng sức đề kháng miễn dịch của cơ thể, giải nhiệt, giải độc, hạ sốt, an thần kinh.
Bác sĩ Trang Xuân Chi Theo Thanh Nien