Cây thuốc vườn nhà

Cây thuốc vườn nhà

Một số cây cỏ trong vườn nhà có thể giúp chữa các bệnh thông thường như cỏ mực làm thuốc rơ lưỡi, nước lá ổi trị tiêu chảy, tần dày trị ho…
Tuy nhiên, không phải phương pháp “cây thuốc" vườn nhà nào cũng đúng và mang lại hiệu quả như ý. Tương tự, có những bài thuốc được tuyên truyền trị bệnh nhưng thực chất là ngược lại.
Cỏ mực – kháng sinh thực vật

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, lá nhọ nồi (cỏ mực) thường được dân gian dùng để rơ lưỡi cho trẻ. Cỏ mực vừa có tính kháng sinh, vừa có tác dụng kết tủa các chất bám trên mặt lưỡi để có thể tẩy sạch. Tuy nhiên, khi sử dụng cần phải rửa sạch cỏ mực dưới dòng nước chảy và tránh rơ quá mạnh làm trầy mặt lưỡi của trẻ. 
Nói đến phương pháp dân gian thường dùng nước cỏ mực trị ho và sốt cho trẻ, bác sĩ Sơn khẳng định hiện chưa có nghiên cứu chứng minh cỏ mực có tác dụng hạ sốt và giảm ho. Nếu có, đây chỉ là tác dụng gián tiếp và không đáng kể, vì cỏ mực là loại kháng sinh thực vật có khả năng diệt vi trùng nhưng không mạnh bằng kháng sinh của Tây y. Bên cạnh đó, cỏ mực có tác dụng tăng cường miễn dịch, nghĩa là tăng sức đề kháng chống lại vi trùng. Do đó, nếu không có thuốc nhưng sẵn có cỏ mực thì vẫn có thể dùng.
Công dụng và cách sử dụng cỏ mực
Trong Đông y, công dụng của cỏ mực đã được sử dụng từ hàng ngàn năm, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước châu Á. Vì vậy, có thể xem cỏ mực là một loại dược liệu quý vì những tác dụng nổi bật như: cầm máu (tác dụng chính yếu, mạnh nhất và được dùng lâu đời nhất trong các nền Y học cổ truyền phương Đông. Cỏ mực có khả năng cầm máu, kể cả sốt xuất huyết, băng huyết,…); giúp bảo vệ gan, nhuận gan mật (tác dụng đáng chú ý thứ hai của cỏ mực); diệt khuẩn, chống viêm; tăng cường miễn dịch, ức chế ung thư; dưỡng da, làm đen tóc, trị nấm da; chống lão hóa…
Có thể sử dụng lá cỏ mực bằng nhiều cách: Tươi hoặc khô. Nếu làm khô không nên phơi ngoài nắng. Vì cỏ mực gần như không độc nên liều dùng tùy từng người, trung bình khoảng 6 – 12 g cỏ khô mỗi ngày. Có thể dùng một vị hay trong công thức nhiều vị thuốc.
Giã lá cỏ mực tươi vắt nước uống, hay thoa lên râu tóc, thoa lên da.
Nấu- sắc uống hoặc nấu để uống như nước trà.
Nhiều nhà sản xuất đã chế cỏ mực thành thuốc viên, thuốc nước hoặc thuốc tiêm.
Công dụng tuyệt vời của lá và búp ổi
Trong lá và búp ổi chứa rất nhiều chất chát. Đây là chất có đặc tính kết tủa chất đạm. Hàm lượng chất chát trong lá ổi rất cao, 7 – 10% trọng lượng, có công dụng cầm tiêu chảy. Tuy nhiên, chỉ nên cầm tiêu chảy khi không còn độc chất trong ruột. Tiêu chảy là phản ứng thải độc của cơ thể.
Cầm tiêu chảy có nghĩa là “nhốt giặc trong bụng”. Vì vậy, khi còn tiêu chảy cần uống bù nước muối đường cho đến khi phân chỉ còn nước mới sử dụng lá, búp ổi để cầm lại. Khi cầm tiêu chảy, cần kết hợp với kháng sinh diệt vi trùng, vì chất chát trong lá, búp ổi là một kháng sinh yếu; hoặc kết hợp với chất hút độc nếu bị tiêu chảy do độc chất. Nếu không bị tiêu chảy, dùng lá ổi có thể gây táo bón.
Lá ổi còn có tác dụng trị nọc rắn (do nọc rắn cấu tạo từ chất đạm, chất chát của lá ổi có khả năng kết tủa chất đạm); cầm máu ngoài da (vì chất chát kết tủa chất đạm trong máu thành khối "nút" chỗ chảy máu lại); trị nấm ngoài da; trị vết thương ngoài da (phỏng, zona (giời leo)...
Sử dụng mỗi lần 15 – 20g búp hay lá ổi non. Rửa sạch, giã vắt lấy nước nấu nước uống hay thoa ngoài da; sắc với nước đặc lại rồi uống; trị zona (dùng 100 g búp ổi non rửa sạch, 10g phèn chua, 1g muối ăn, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước chín. Thoa lên vết thương).
Cách sử dụng lá tần dày trị bệnh
Trong dân gian, tần dày được xem là một bài thuốc trị ho rất hiệu quả. Bác sĩ Hoàng Sơn khẳng định đây là một bài thuốc đúng. Ông cho biết tên gọi chính xác của lá tần dày là “tần dày lá” hay “rau tần”, “rau tần dày lá”, “húng chanh”. Tần dày lá dùng cho các trường hợp: ho, viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản (viêm đường hô hấp trên); cảm cúm; đau bụng, tiêu chảy (rửa sạch 1 – 2 lá, nhai với ít muối, ngậm nuốt dần); giã đắp vết thương do rết, bọ cạp cắn, ong đốt.
Liều dùng thông thường cho người lớn là 10 – 20g lá tươi / ngày (5 – 7 lá). Trẻ em nên dùng giảm liều tùy theo tuổi. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến thầy thuốc về liều dùng cho trẻ em. Hiện chưa có khuyến cáo nào nói đến những trường hợp chống chỉ định nhưng cần lưu ý: vì là tinh dầu nên cần thận trọng khi dùng tần dày cho trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi.
Cách dùng: Rửa sạch lá tần dày, ngâm nước muối rồi nhai và ngậm; giã nát lá với chút muối, vắt lấy nước cốt; nếu nấu lá uống thì nên nấu lửa nhỏ để tránh bay hơi thuốc.
Hiện tần dày đã được các nhà sản xuất chế thành dạng xi-rô, bán ở các nhà thuốc tây.
Bông đu đủ đực không có tác dụng trị bá bệnh
Với bài thuốc được truyền miệng trong dân gian về tác dụng trị bệnh ung thư của bông đu đủ đực, bác sĩ Sơn khẳng định hiện nay chưa có bất kì loại thuốc nào trị dứt ung thư. Ông cho biết, có rất nhiều loại ung thư. Mỗi người bệnh ung thư có cơ địa, sức đề kháng, tâm tính, và mức độ bệnh nặng, nhẹ khác nhau. Nếu bông đu đủ đực thực sự có tác dụng trị bệnh ung thư thì đã gây một chấn động trong y khoa rồi, không cần để dân gian truyền miệng nhiều năm qua.
Yhọc cổ truyền chính thống vẫn không ghi nhận việc sử dụng hoa đu đủ đực. Tuy nhiên, trong dân gian thường dùng hoa đu đủ đực tươi hoặc phơi khô hấp với đường (hoặc đường phèn) dùng trị ho (viêm phế quản), tắt tiếng (viêm thanh quản). Dân gian còn có bài thuốc: nấu 30g hoa đu đủ đực còn nửa chén nước, pha với đường cho trẻ em uống để trị ho gà.
Bác sĩ Lê Hoàng Sơn đưa ra lời khuyên: hoa đu đủ đực không phải là thuốc trị bá bệnh. Ngoài ra, không phải thuốc này tốt cho người bệnh này cũng tốt cho người kia. Vì vậy, khi sử dụng bất cứ loại lá cây hay thảo dược nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những hậu quả không hay xảy ra.
Theo Song Nguyễn
PNO