Ngoài tác dụng làm cảnh, cây ngọc lan còn hiệu quả trong điều trị các bệnh kinh nguyệt không đều, tiểu tiện khó, bạch đới, đau bụng kinh... Cả thân, lá và hoa ngọc lan đều có thể dùng làm thuốc.
Sau đây là một số ứng dụng của cây ngọc lan:
- Chữa sốt, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện khó: Lấy vỏ thân cây ngọc lan, cạo sạch lớp vỏ ngoài, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Lấy 30 g vỏ sắc với 400 ml nước cho đến khi còn 100 ml, uống 2 lần trong ngày.
- Chữa sưng tấy: Lấy lá ngọc lan loại non và bánh tẻ rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ sưng tấy.
- Chữa viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi: Lá ngọc lan 30 g, lá cây gừa 30 g, giun đất đã chế biến 5 g, thái nhỏ, phơi khô, sắc uống.
- Chữa ho, đau bụng hành kinh: Hoa ngọc lan 30 g, mật ong 40 g, cho 2 thứ vào hấp cách thủy trong 20-30 phút để ăn.
- Chữa bạch đới, khí hư: Hoa ngọc lan 20 g, hạt ý dĩ 30 g, đậu ván trắng 30 g, hạt mã đề 5 g, sắc uống trong ngày.
- Chữa viêm xoang: Lấy hoa ngọc lan lúc còn xanh, sấy khô giòn, tán và rây thành bột mịn, đựng vào lọ kín. Khi bị chảy nước mũi, mở lọ ngửi và hít mạnh để bột thuốc bay vào mũi, ngày làm 2-3 lần.
Lưu ý: Trừ bài thuốc chữa viêm xoang, hoa ngọc lan dùng làm thuốc phải là loại mới chớm nở, dùng tươi hoặc sấy nhẹ cho khô.
DS Hữu Bảo, KH&ĐS