Sâm đại hành

Sâm đại hành còn có tên là tỏi Lào, hành đỏ, tỏi đỏ, phong nhan, hom búa lượt (Thái). Tên Khoa học là Eleutherine bulbosa, E.longifolia, hay E.Subaphylla. Họ Lay ơn (Iridaceae).
 



Cây sâm đại hành.

Sâm đại hành là cây thảo, sống lâu năm, cao khoảng 30 cm. Thân hành, hình trứng thuôn, dài khoảng 5cm, đường kính 2,5 – 3cm, gồm nhiều vảy mỏng, màu đỏ nâu. Lá hình dải nhọn, có gân song song, giống lá cau hay lá dừa. Cụm hoa mọc từ thân hình thành chùm dài 20cm, hoa màu trắng, có cuống dài. Quả ít gặp. Sâm đại hành là cây ưa ẩm, ưa sáng, thích nghi với khí hậu nhiệt đới. Việt Nam có khí hậu thích hợp với giống cây này, nhất là từ Quảng Trị trở vào, cả Lào và Campuchia. Cây dễ trồng, phát triển bằng việc đẻ nhánh con. Trồng bằng củ, khoảng cách khoảng 3 tấc. Sâm đại hành thường tàn lụi vào màu đông, sinh trưởng và phát triển trong mùa mưa ẩm. Khi trồng được 1 năm trở lên thì thu hoạch lúc cây đã tàn úa. Đào lên để củ trong cát ẩm hay là nơi thoáng mát có thể bảo quản được vài tháng. Khi dùng rửa sạch củ và thái mỏng, phơi khô. Khi thái nên cắt dọc theo củ. Năng suất 1,5 – 2 tấn / ha
-Tác dụng dược lý: Dịch chiết củ Sâm đại hành có tác dụng ức chế rõ rệt với phế cầu khuẩn, liên cầu tan máu, tụ cầu vàng, chống viêm cấp và mãn tính, không có độc tính, không ảnh hưởng đến thành phần máu và chức năng gan, thận, làm tăng hồng cầu và huyết sắc tố, an thần. Sâm đại hành có các chất kháng sinh chính là eleutherin, isoeleutherin và eleuthenol có tác dụng kháng trực khuẩn lao, làm tăng lượng tuần hoàn ở tim, trị viêm nhiễm đường hô hấp trên.
- Theo Đông y: Sâm đại hành có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giảm ho, cầm máu, tiêu độc, kháng khuẩn, tiêu viêm.
- Sâm đại hành dùng để chữa thiếu máu, vàng da, phụ nữ kinh nguyệt không đều, đầu váng, mắt hoa, nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ.
1- CÁC BÀI THUỐC CÓ SÂM ĐẠI HÀNH:
- Bài thuốc 1:
Chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, vàng da, nhức đầu, kinh nguyệt không đều, khó ngủ, viêm gan thận, bệnh ngoài da, nóng hâm hấp, sa trực tràng…  Đảng sâm 15g, Huỳnh kỳ 15g, Sâm đại hành 15g, Xuyên khung 6g, Đương qui 10g.
Gia giảm:
- Nếu có phong thấp, đau nhức gia: Kê Huyết đằng 10g, Gấm 10g, Lá lốt 10g, Thủy xương bồ 6g.
- Nếu bị viêm đường tiết niệu, gia: Lá Đại bị 10g, Rễ tranh 10g, Hoạt thạch 5g.
- Nếu có sa trực tràng, trĩ, gia: Dây mấu 10g, Vỏ cây Ngái 10g, Rễ cây gai 15g.
- Nếu có mất ngủ, gia: Ngọc trúc 10g, Bá Hập 10g, Lá mơ lông 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Liên tục từ 10 – 20 thang.
- Bài thuốc 2:
Ngâm rượu bổ trị đau lưng, mỏi gối, kém ăn, mệt mỏi. Đảng sâm 20g, Sâm đại hành 20g, Đương qui 20g, Sanh địa 20g, Huỳnh kỳ 20g, Đổ trọng 10g, Bạch truật 10g, Câu kỷ tử 15g, Lộc nhung 15g, Đại hồi 5g, Nhục quế 5g, Đại táo 10 quả. Ngâm 2 lít rượu 40o. Lần uống 1 ly 30-50 ml.
- Bài thuốc 3:
Chữa vết thương bị bầm dập, trầy sướt, chảy máu, làm độc, ung nhọt: Dùng củ sâm đại hành tươi, giã nhuyễn bó hay đắp lên vết thương, rất mau lành.
2- CỦ SÂM ĐẠI HÀNH XÀO THỊT:
Dùng củ sâm đại hành tươi xào thịt bò hay thịt heo đều ngon. Khi thu hoạch củ sâm đại hành, nên ủ củ trong cát cho khỏi hư. Khi dùng đem một ít ra lột bỏ vỏ ngoài như lột củ hành, rửa sạch, xắt lát dày. Xào thịt ăn rất dòn, thơm ngon và giấc ngủ rất êm dịu. Những người có chứng mất ngủ, viêm nhiễm, viêm gan thận… nên sử dụng món ăn từ sâm đại hành, vừa rễ tiền, chữa được nhiều bệnh, lại không độc hại.
Sâm đại hành là vị thuốc quý và là món ăn ngon rất có lợi cho sức khỏe.
Theo - transybt.com