Cây lá nhíp, bép

Cây lá bép Gnetum gnemon L.

cách gây trồng lá bép

cách gây trồng lá bép

Quả và hạt cây lá bép
-Tên gọi khác: Rau lá bét, Rau nhíp, Rau lá bướm, Rau danh, Rau gắm.
-Tên tiếng Anh: Paddy Oats, Gnetum, Joint fir, Kampong tree, Spanish joint fir.
-Tên khoa học: Gnetum gnemon L.
-Tên đồng nghĩa: Gnetum vinosum Elmer.
-Loài tương cận: Cây rau bép Papua New Guinea (Gnetum costatum).

Phân loại khoa học


Bộ (ordo):
Dây gấm (Gnetales).
Họ (familia):
Dây gấm (Gnetaceae).
Chi (genus):
Dây gấm (Gnetum).
Nhánh (Sectio)
Dây gấm (G. sect. Gnetum)
Phân nhánh (Subsectio)
Dây gấm (G. subsect. Gnetum)
Loài (species):
Rau bép - Gnetum gnemon

Chi Dây gm (Gnetum) là một chi duy nhất trong họ Dây gm (Gnetaceae) và bộ Dây gm (Gnetales) với khoảng 30-35 loài thực vật hạt trần. Hầu hết các loài trong chi này có dạng dây leo thường xanh, thân thường chia lóng và phình to ở các đốt. Lá đơn mọc đối, không có lá kèm, mép lá nguyên, gân lá lông chim.
Nhiều loài thuộc Chi Dây gắm (Gnetumăn được, với lá được sử dụng như là rau ăn, hạt được đem nướng và một số loài còn có công dụng như là các loại cây thuốc.
Trong chi Dây gắm (Gnetum) có nhiều phân chi (subgenus). Phân bố ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ, Tây Phi và Đông Nam Á. Xem bản đồ phân bố có thể suy đoán chi thực vật này đã xuất hiện trước khi các lục địa bị tách rời.

Bản đồ phân bố Chi Dây gấm
Riêng phân chi Rau bép (Gnetum subsect. Gnetum) có hai loài thân gổ trườn (các loài khác đều là dây leo) đó là:
- Cây rau bép Đông Nam Á (Gnetum gnemon).
- Cây rau bép Papua New Guinea (Gnetum costatum).
Cây rau bép Đông Nam Á (Gnetum gnemon) có 6-8 thứ (varieties).
Riêng ở Việt Nam đã phát hiện được 3 thứ:
-Gnetum gnemon var. domesticum (Rumph) Markgr. (ít gặp).
-Gnetum gnemon var. griffithii Markgr. (thường gặp nhất).
-Gnetum gnemon var. tenerum Markgr. (ít gặp).
Cả 3 thứ đều có dạng cây bụi với quả nhỏ, lá được dùng làm ra và công dụng dược liệu gần giống như nhau.

Phân bố

Gnetum gnemon là một loài thuộc chi Gnetum có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Châu Á và các đảo tây Thái Bình Dương, từ Assam về phía Đông và Nam qua MalaysiaIndonesia tới Philippines và Fiji. Tên gọi phổ biến của nó là  Melinjo  hay Belinjo  (tiếng Indonesia), Bago (tiếng Mã Lai, tiếng Tagalog), Peesae (tiếng Thái) và Rau bép, Bét, Rau danh hay Gắm (tiếng Việt).
Các nghiên cứu gần đây ở Indonesia cho biết loài cây lá bép (Gnetum gnemon) là cây bản địa ở Fiji, Ấn Độ, Malaysia, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon. Loài cây này phân bố ở độ cao từ 0 đến 1.200 m, nơi có nhiệt độ trung bình 25-30 oC, lượng mưa từ 750 đến 5.000 mm và đủ độ ẩm đất trong mùa khô.
Hiện nay Cây lá bép được trồng nhiều ở bắc Ấn Độ (Atxam, tới độ cao 1.500m), Mianma, Việt Nam, Indonesia và bán đảo Mã Lai ở độ cao từ 200 tới 900m.
Cây lá bép ở Việt Nam thuộc giống Gnetum gnemon L. var.griffithii Markgr.

Cây lá bép Việt Nam- Ảnh Trần Hợp
Ở Việt Nam, cây lá bép phân bố ở một số tỉnh thuộc miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ như ở Quảng Nam, GiaLai, KonTum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Thuận và Côn Đảo.
Tại Lâm Đồng, cây lá bép phân bố ở một số khu rừng tự nhiên của 9/12 huyện, thị có khí hậu nhiệt đới mà không xuất hiện ở xứ lạnh Đà Lạt và vùng phụ cận. Mật độ cây lá bép rất cao (chỉ trong 4m2 đã xuất hiện trên 30 cây), bụi tái sinh bằng chồi nhanh và nhiều, có thể sinh trưởng quanh năm.
Kỹ sư Nguyễn Thành Đạt (Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp) trong Đề tài làm luận văn Thạc sĩ của mình đã sử dụng các phương pháp giâm hom, gieo hạt và chuyển cây con từ rừng Di Linh về trồng ở Đà Lạt. Kết quả thật bất ngờ: Cây con trồng dưới tán rừng tạp với cây gỗ nhỏ, cây bụi, tre nứa… hoặc trồng xen với một số loại cây khác trong vườn đều phát triển tốt mở ra triển vọng trồng cây lá bét ở tất cả các huyện, thị, thành.

Mô tả

Cây lá bép ở Việt Nam (Gnetum gnemon L. var.griffithii Markgr.) thuộc thực vật hạt trầnLà loài cây thân gỗ mảnh, kích thước từ nhỏ đến trung bình (không giống như phần lớn các loài khác cùng chi Gnetum đều là dây leo).
-Thân: Thuộc cây gổ thân trườn tiến hóa từ dây leo. Thân cao từ 5-20 m và có nhiều nhánh. Thân bám vào nhau hay bám vào cây khác.
-Lá:  thuộc loại thường xanh, lá đơn mọc đối, không có lá kèm, mép lá nguyên, gân lá lông chim, dài 8-20 cm và rộng 3-10 cm, lúc mới mọc có màu đồng, khi trưởng thành có màu lục sẫm và bóng mặt, có mũi nhọn ở chóp, thon dẹp dần ở gốc, gân lá 5-7 cặp dính nhau. Lá có hình dạng, kích thước gần giống với lá chôm chôm, lá nhãn.
-Hoa (giả): Có cấu tạo hoa nguyên thủy dạng nón, đơn tính khác gốc. Từng đôi lá bắc đính liền thành vòng trên hoa tự.
Cụm "hoa giả" (không phải hoa thực thụ) mọc ở nách lá, có khi trên thân gỗ già, dài 3-6 cm, với hoa thành vòng ở mấu. Giống như các thực vật hạt trần khác, "hoa" của chúng thuộc loại khác gốc (các bào tử đực và cái được sinh ra trên các cây khác nhau) với 5-8 chiếc trên mỗi mấu của cụm "hoa".
Hoa tự đực hình bông đơn hoặc phân nhánh, nách vòng lá bắc mang 2-4 vòng hoa. Hoa đực có bao hoa hình ống, chỉ nhị hợp, bao phấn 2 ô nứt ngang.
Hoa tự cái hình bông đơn, nách vòng lá bắc mang 3-8 hoa. Hoa cái gồm 1 lá noãn mang 1 noãn thẳng đứng.
Sau khi thụ phấn (thực chất là sự kết hợp của tiểu bào tử phấn hoa và đại bào tử noãn) thì phôi tạo thành cùng với các tế bào khác sẽ phát triển thành hạt (quả giả).
-Quả (giả): "Quả giả" (không phải quả thực thụ) giống như quả hạch, hình bầu dục, dài 2-5 cm, có mũi ngắn, lấm tấm lông như nhung, lúc non màu vàng, rồi chuyển dần sang màu đỏ tới tía khi chín, chỉ có một hạt trong mỗi "quả". Ở chóp quả có mũi chóp ngắn, có lông nhung.
-Hạt: Noãn phát triển thành hạt có 3 lớp vỏ giống như một quả hạch, trọng lượng khoảng 4 g. Phôi có 2 lá mầm. Hạt là trạng thái ngủ của thể giao tử.

Thành phần hóa học

+Theo Đại học Huế thì thành phần hoá học của hạt như sau:
-Trong 100 g (70-80 hạt) chứa 30 g nước, 11 g protein, 1,7 g lipit, 50 g cacbonhyđrat và 1,7 g tro.
-Trong lá giàu protein, chất khoáng, vitamin A và vitamin C.
Cứ 100 g lá non của Gnetum gnemon tenerum có 75,1g nước, 6,6g protein, 1,2 g lipit, 9,1 g cacbonhyđrat, 6,8 g chất xơ, 1,3 g tro, 224 mg phốtpho, 151 mg canxi, 2,5 mg sắt và 10.899 IU vitamin A.
+Qua nghiên cứu Luận án Thạc sĩ của Nguyễn Thành Đạt (Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp) với đề tài “Đánh giá tiềm năng làm rau ăn của cây lá bép tại Lâm Đồng” với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nông Văn Tiếp (Đại học Đà Lạt) cho biết:
-Kết quả phân tích tại các cơ quan chuyên môn ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy trong lá bép có tới 16 loại Amino acid (trong số 20 Amino acid quan trọng không thể thiếu đối với con người) tham gia xây dựng Protein nhằm đảm bảo các chức năng xúc tác, miễn dịch, vận chuyển… cho các hoạt động sống hàng ngày của cơ thể.
-Qua phân tích tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, thành phần cũng như hàm lượng các chất khoáng trong lá bép khá cao, trong đó K, Fe, Cu, Zn, Mo, Mg và Mn cao hơn nhiều so với xà lách, bông cải trắng…
Hàm lượng đường trong lá bét cũng đạt 0,93%, do vậy khi nấu canh có vị ngọt; đồng thời với hàm lượng đường khử 0,88% giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ nguồn năng lượng này một cách nhanh chóng.
Nhân hạt lá bép chứa khoảng 10,9% Protein, trong đó có 7 axít amin thiết yếu quan trọng như glutamic, aspartic... với hàm lượng cao từ 206 đến 208 mg/100 g. Có 1,6% lipid và 50,4% tinh bột- nguồn bổ sung quan trọng trong điều kiện thiếu lương thực.
Các chất này ngoài cung cấp nguồn dinh dưỡng còn có khả năng giúp gan thải trừ một số độc chất cho cơ thể.
Nguồn: Lá bép rừng thành rau thương phẩm- Kim Anh-Tin 247.com

Công dụng

a-Dùng làm rau
Lá non, cụm hoa, quả non, và quả chín để dùng ăn được.

dsc00622_500


Rau lá bép (rau nhíp)
+Ở Việt Nam
-Cây lá bép được dùng làm rau đã biết từ lâu đời bởi người dân tộc thiểu số sống trên các vùng có loài cây này mọc tự nhiên trong rừng.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên thường xuyên và yêu thích sử dụng lá bép làm rau ăn ở dạng xào hoặc nấu canh với cá suối...
Lá bép mọc quanh năm, nhưng sau khoảng 5-6 trận mưa đầu mùa là thời điểm lá bép ngon nhất. Khi này, đọt mầm bung nở, tươi mát nhất. Đồng bào dân tộc tranh thủ vào rừng hái, đây cũng là lúc lá cho vị ngọt hơn tất cả mọi thời điểm.
-Rau lá bép trở nên nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiếng chống Mỹ khi bộ đội Việt Nam sống trong chiến khu thiếu lương thực phải ăn rau rừng để sống trong thời kỳ chiến trường ác liệt.
Trong quyển "Những kỷ niệm ở rừng miền Đông" của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có kể rằng, một đơn vị bộ đội khi hành quân trên vùng Bình Phước chẳng may bị lạc rừng. Hết lương thực, đoàn quân hàng trăm người phải tìm lá cây rừng ăn cầm hơi suốt một tuần. Đó là những thứ lá rừng vị ngọt thanh, ăn khá ngon miệng. Mãi sau này, nhiều người mới biết đó là lá bép.
Để giúp bộ đội Trường Sơn chủ động tìm nguồn thức ăn khi thiếu lương thực, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân in ấn sách rau rừng dạng sổ tay khổ nhỏ, trong đó mô tả hàng trăn loại rau rừng, củ, quả và nấm rừng ăn được có hình ảnh mẫu kèm theo để giúp bộ đội đi tới đâu, gặp rau nào thì đối chiếu tìm nấu. Trong đó có loài rau bép thuộc những cây rau chủ lực.
Vùng Đông Nam Bộ thời chiến tranh, ở Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Bông, Bù Đăng, Sóc Bom Bo… có nhiều cây bép mà nhạc sĩ Huy Du sáng tác bài "Nổi lửa lên em" có câu: " … lá bép rau rừng thêm thắm tình anh nuôi".
Đọc đến đây chắc bạn hiểu thêm “lá bép” trong bài ca rồi nhĩ!
-Lá bép khi còn non, mỏng và mềm, màu lục nhạt, dùng nấu canh ăn rất ngon, có thể so sánh với rau Sắng chùa Hư­ơng (Melientha suavis Pierre).
Ăn Rau bép không có ảnh h­ởng gì xấu đến cơ thể. Có thể nấu với thịt ăn cũng ngon.
Người Chơ ro có một món canh ngon, lạ và hội đủ tinh túy của núi rừng khiến ai đã từng một lần thưởng thức đều phải nhớ mãi. Đó là canh ống thụt lá bép.

Món canh rau bép ống thụt (nấu trong ống nứa) của
Đồng bào dân tộc Chơ ro ở Tây nguyên
Bao năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng sử dụng lá bép làm rau ăn và thời gian gần đây mang ra chợ miền núi ở Di Linh bán với giá tương đương với rau muống.
-Hiện nay, rau lá bép đã trở thành hàng hóa và bán tại các chợ với giá từ 2.000 - 3.000 đ/bó. Tại nhà hàng Khu du lịch Madagui, nó là một đặc sản rất được ưa chuộng. Ở Lâm Đồng cây lá bép mọc tự nhiên phổ biến ở các xã Đinh Trang Thượng và Đinh Trang Hòa của huyện Di Linh, xã Madagui, huyện Đạ Huoai, và nhiều nơi ở huyện Đam Rông, Lâm Đồng.
Ngày nay, lá bép đã có mặt trong thực đơn của các nhà hàng ở Tây Nguyên như canh cua lá bép, đọt mây-lá bép xào cá hộp, … và luôn được giới thiệu với khách miền xuôi như là một món ngon đặc sản mà núi rừng đã hào phóng ban tặng cho những con người Tây Nguyên nồng hậu và mến khách này.

Món rau lá bép luộc của đồng bào dân tộc K’Ho ở Tây nguyên.

Rau lá bép xào

Bánh chiên dòn từ hạt cây lá bép ở Indonesia
+Ở nước ngoài
-Ở Indonesia Cây lá bép là cây bản địa mọc hoang hoặc trồng rất phổ biến và được dùng trong ẩm thực ở nước này.
Hạt cây lá bép được dùng để nấu món Súp rau chua Indonesia (Sayur Asem) và cũng có thể, nghiền thành bột và chiên thành món bánh emping , một loại bánh ghém krupuk giống như bánh phòng tôm ở Việt Nam. Loại bánh này có hương vị hơi đắng và thường được dùng để ăn nhẹ hoặc ăn kèm với các món chiên, xào khác. Lá cây rau bép cũng thường được sử dụng làm rau trong các món ăn.
Hạt được nghiền thành bột và rán kỹ thành một loại bánh giòn. Bánh này có vị hơi đắng và được dùng như là đồ ăn kèm với tên gọi 'Keropok Belinjau' trong ẩm thực của người Indonesia và Malaysia.
Loài cây này được trồng phổ biến ở khu vực Aceh và được xem như một loại cây rau cao cấp.
Hoa, lá non và quả tươi được dùng như thành phần trong món cà ri rau truyền thống gọi là Kuah pliek . Món ăn này được phục vụ trên tất cả các dịp lễ truyền thống quan trọng, chẳng hạn như khanduri và keureudja . 
Ở quận Pidie, phụ nữ chọn trái chín (màu đỏ) để làm món keureupuk muling.
Bánh quy dòn Melinjo là một phần của thực đơn trong bữa ăn tối để tiếp đải tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm cấp nhà nước với Indonesia vào năm 2010, ngài tổng thống da đen này đã ca ngợi bánh quy giòn, cùng với các món Bakso (súp thịt viên) và Nasi Goreng (cơm chiên) là ngon.
Hiện nay, sản phẩm bánh quy dòn Melinjo Extract được sản xuất và giám sát theo hợp tác giữa Hiệp hội Nông nghiệp Indonesia ( NOFA (id: KTNA); Tổ chức Mẹ Ikamaja) và JASMELINDO (Tổ chức phi lợi nhuận Nhật Bản), để bảo vệ lợi nhuận nhất định cho nông dân Indonesia.
-Ở Thái Lan có loài Cây Phác mang (Phat miang) của Thái Lan Gnetum gnemon L.  var, tenerum Markgr, là loại rau quan trọng ở miền Nam nước này. 
-Ở Châu Phi có hai loài cây Lá gắm Gnetum africanum  G. buchholzianum phát triển rộng rải ở Trung Phi, là loại rau ăn lá giàu dinh dưỡng.
Cả hai loài này được mọc hoang và trồng nhiều ở Gabon, Congo, Cameroon,   Nigeria và Angola với tên gọi địa phương phổ biến là ‘koko’, ‘eru’, ‘okok’, ‘ukasi’... (Bahuchet, 1990).
Lá giàu đạm, acid amin và khoáng chất, được dùng làm rau ăn sống, luộc, xào, nấu súp và được buôn bán khắp các chợ ở Trung Phi. Ước tính hàng tuần có khoảng 600 tấn lá được vận chuyển đến các chợ đầu mối.
-Ở Nam Mỹ có nhiều loài dây leo thuộc Chi Dây gm (Gnetum) có lá non, cụm hoa, quả non và quả chín đều ăn đư­ợc và được xếp vào loại rau sạch quý hiếm.
b-Các bộ phận cây lá bép dùng làm thuốc
+Theo Đông y
Cây Lá bép hay còn gọi là cây lá bét (Gnetum gnemon L. var.griffithii Markgr.) có tiềm năng lớn không chỉ bởi giá trị dinh dưỡng mà còn vì dược tính của nó.
Không chỉ ngon, đủ calo, an toàn, lá bép còn chứa các hoạt chất sinh học tự nhiên cần cho sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
+Theo Tây y
-Năm 1955, Masilungan và những đồng nghiệp phát hiện chất chiết trong lá cây lá bép có chứa các chất kháng sinh.
-Gần đây, cây lá bép được phát hiện là loài cây giàu các hợp chất chất hoạt động sinh hóa nhóm stilbenoid, bao gồm chất resveratrol (3,5,4 '-trihydroxy-trans-stilbene) là một chất phenol tự nhiên , và chất phytoalexin (sản xuất tự nhiên khi cây bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn hoặc nấm). Đây là những hợp chất dimer (kết hợp bởi hai phân tử cùng loại bởi nối cộng hóa trị).
Một ví dụ về một stilbenoid là resveratrol , được tìm thấy trong nho và đã được công nhận có nhiều lợi ích sức khỏe. Chất resveratrol trong cây lá bép giống như ở cây nho. Kết quả này đã được công bố tại Hội nghị XXIII quốc tế về polyphenol, Canada, vào năm 2006. 
-Trong các thí nghiệm ở chuột, khả năng chống ung thư, chống viêm , hạ lượng đường trong máu và mang lại lợi ích tim mạch do tác động của resveratrol đã được báo cáo nói chung là tích cực.
-Trong một thử nghiệm ở con người với liều cao (3-5 g) resveratrol, trong một công thức thiết kế để tăng cường khả dụng sinh học , lượng đường trong máu hạ thấp đáng kể.
-Chất resveratrol trong cây lá bép có tính  kháng khuẩn và chống hoạt động oxy hóa , được dùng như là một chất bảo quản thực phẩm. Loài này có thể có những ứng dụng trong các ngành công nghiệp thực phẩm mà không sử dụng bất kỳ hóa chất tổng hợp nào.
-Bốn chất oligomers stilbene mới, gồm gnemonol G , H , I và J , được phân lập từ chiết xuất acetone của cây lá bép (Gnetum gnemon) cùng với năm chất stilbenoids được biết đến là: E ampelopsin , cis-ampelopsin E , gnetin C , D và E . 
-Ly trích lá khô của cây lá bép bằng acetone dưới nước (tỷ lệ 1:1) thu được các chất C -glycosylflavones (gồm isovitexin, vicenin II, isoswertisin, swertisin, swertiajaponin, isoswertiajaponin). Ly trích bào tử khô của cây lá bép bằng ethanol 50% thu được C gnetin, gnetin L (một stilbenoid mới), gnemonosides A, C, và D, và resveratrol. Các chất này có hoạt tính kháng khuẩn và ức chế lipase và α- amylase từ tụy lợn.  Gnetin C cho thấy hiệu quả tốt nhất giữa các stilbenoids.
c- Các công dụng khác
-Hạt rang lên ăn bùi như­ Lạc (đậu phộng).
-Vỏ cây có sợi rất dai, chịu đ­ợc n­ước biển, nên đ­ợc dùng làm dây thừng và l­ưới đánh cá.
-Gỗ xấu, ít có giá trị, được sử dụng để sản xuất bột giấy ở Indonesia, Malaysia và Hồng Kông.
-Ở Indonesia người dân dùng gổ đốt xông khói để đuổi muỗi.

Trồng và phát triển cây lá bép

Cây Lá bép hay còn gọi là cây lá bét (Gnetum gnemon L. var.griffithii Markgr.) có tiềm năng lớn không chỉ bởi giá trị dinh dưỡng mà còn vì dược tính của nó.
Tỉnh Lâm Đồng có chủ trương bảo tồn và phát triển trồng cây lá bép như một loại rau sạch ăn hàng ngày ( để tránh trong việc tự phát hái lá bép từ rừng, người dân có thể nhầm lẫn với cây khác, kể cả loại có chất độc như cây lá ngón).
Nếu được nghiên cứu, phổ biến rộng rãi phương pháp trồng lá bép dưới tán rừng hoặc di thực về vườn rau; đồng thời khuyến cáo cho nhân dân các thành phố lớn biết đến loại rau này thì tiềm năng khai thác cây lá bép làm rau thương phẩm là rất lớn.
Ngoài tỉnh Lâm Đồng, Rau lá bép (rau nhíp) còn được người đồng bào dân tộc Xtiêng tại Bình Phước đem trồng dùng làm thực phẩm và được nhiều hàng quán ưa chuộng.
Một ví dụ điển hình là anh Điểu Đang tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, Bình Phước, đã nảy sinh ra ý nghĩ mang rau rừng về trồng để vừa bảo tồn loại rau có từ đời cha ông, vừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Riêng rau lá bép hay rau nhíp được anh trồng xen canh với cây điều và ca cao trên diện tích 1,3ha. Các hàng rau nhíp được anh trồng thẳng tắp giữa hàng điều và ca cao, tạo sự thông thoáng cho vườn.
“Mặc dù là loại cây rừng, nhưng khi mang về trồng, rau nhíp phát triển rất nhanh, lá tươi tốt quanh năm. Hiện rau nhíp hay rau lá bép đang được ưa chuộng, không chỉ người dân tộc biết ăn mà các nhà hàng, quán ăn cũng tìm mua rất nhiều. Với giá từ 40.000- 50.000 đồng/kg, mỗi tháng cả nhà thu được gần 2 triệu đồng từ tiền bán rau nhíp. Gia đình tôi có thể sống khỏe quanh năm từ rau nhíp và ca cao” - anh Đang nói. 
Cũng theo anh, địa hình vườn điều và ca cao của nhà anh dốc, mùa mưa đất thường bị xói mòn. Từ khi trồng rau nhíp xen vào giữa các hàng điều và ca cao, đất vườn nhà đã không còn lo bị trôi hay xói mòn nữa. Đất trong vườn luôn giữ được độ ẩm nhất định, lượng phân bón cho cây cũng giảm đi. 
Anh Điểu Đang cho biết mô hình trồng rau nhíp xen canh điều, ca cao không chỉ giúp mang lại thu nhập cho gia đình, chống xói lở đất mà điều ý nghĩa hơn đối với anh là giữ gìn được loại rau rừng quen thuộc với đồng bào dân tộc mình. Qua đó làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày của đồng bào dân tộc bản địa cũng như người dân địa phương. 
Đồng bào Xtiêng tại Bình Phước trồng và thu hoạch rau lá bép (rau nhíp)
                                                                       Kỹ sư Hồ Đình Hải