Lá húng chanh chữa viêm họng


Rau húng chanh rất dễ trồng, cho lá quanh năm, là một dược liệu quý và phổ biến cần thiết cho mọi gia đình.

Món kiểm hay bí hầm dừa không thể thiếu hương vị đặc trưng của rau húng chanh. Các nhà miệt vườn luôn có vài chậu trồng loại rau này.
 
Húng chanh còn gọi là tần dày lá. Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 20-50 cm. Phần thân sát gốc hóa gỗ. Lá mọc đối, dày cứng, giòn, mọng nước, mép khía răng tròn. Toàn cây có lông rất nhỏ và thơm như mùi chanh nên được gọi là húng chanh.
 
Cây có chứa một chất màu đỏ gọi là colein và tinh dầu chứa chất carvacrol.
 
Theo từ điển Cây thuốc và động vật làm thuốc của Viện Dược liệu thì tinh dầu rau tần dày lá có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn như: trực khuẩn mycoides, trực khuẩn subtilis, trực khuẩn lao, trực khuẩn lỵ Flexner, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn shiga, trực khuẩn thương hàn, phế cầu khuẩn, nấm candida albicans, diệt amip Entamocba moshkowskii, ức chế trực khuẩn coli, liên cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu và trực khuẩn ho gà. Rau húng chanh dùng làm rau sống, ăn với gỏi cá hanh rất ngon.
 
Rau có vị chua the, mùi thơm, hăng hăng, tính ấm, đi vào phế, thường dùng giải cảm rất hay, và dùng sát khuẩn, tiêu đàm, khử độc.
 
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 
Lá húng chanh có giá trị trị liệu cao, được sử dụng dưới nhiều cách khác nhau ngoài cách giã lấy nước uống thô với chút muối để xoa dịu các cơn ho kéo dài, trừ giun sán. Lá húng chanh tươi giã và cho vào băng gạc để đắp có thể ngăn ngừa nhiễm trùng cho vết thương ngoài da.
 
Lá húng chanh ngâm với rượu dùng để xoa khi đau bụng. Tại nước Cộng hòa Dominica, người ta vẫn dùng nước sắc lá húng chanh cho thai phụ, trước và sau khi sinh con. Phổ biến nhất là bài thuốc chữa trị các bệnh cảm cúm, ho suyễn, ong đốt, viêm họng, sốt cao không ra mồ hôi... từ húng chanh.
Rau húng chanh rất dễ trồng, cho lá quanh năm, là một dược liệu quý và phổ biến cần thiết cho mọi gia đình.
Theo Hoàng Khang