Nhiều món ngon từ đinh lăng

Cá lòng ròng um lá đinh lăng

Mùa mưa đến, không chỉ cây lúa trổ đòng, vạn vật tái sinh mà còn là mùa cá đồng sinh sôi nảy nở. Lòng ròng được cá mẹ sinh khi trời bắt đầu sa xuống những sợi mưa.

Nước dâng lên, tắm mát những ao, đìa sau những ngày khô kiệt. Trời sa mưa, những nụ mầm mới bắt đầu nhú lên trên những cọng rau muống, rau đắng, rau ngổ... Những sinh vật của ruộng đồng như cá, ếch... cũng vào mùa sinh sản. Tháng 8, tháng 9 âm lịch trong ao, rạch người ta thấy xuất hiện những bầy lòng ròng là những quầng đỏ lâm nhâm trên mặt nước, to như cái nia, di chuyển lấp lánh, nhịp nhàng lúc ẩn, lúc hiện, lúc thưa, lúc dày... để đi kiếm ăn. Đây cũng là lúc người ta đi xúc cá lòng ròng.


Cá lòng ròng nhỏ hơn mút đũa được kho tiêu, kho sả ớt là món bắt cơm ai cũng biết. Tuy nhiên cá lòng ròng um lá đinh lăng mới lạ miệng và nên thuốc. Lá đinh lăng có vị đắng nhưng hậu ngọt có tác dụng giải độc thức ăn, bồi bổ cơ thể cho người già, sản phụ mới sanh, người bệnh mới khỏi. Lá đinh lăng còn được dùng để trộn gỏi cá nên cây đinh lăng còn có tên là cây gỏi cá. Để làm món cá lòng ròng um lá đinh lăng, cá được chà muối rồi rửa sạch. Sau đó thắng mỡ tỏi, ướp cá với củ hành tím và đầu hành lá đập giập, tiêu sọ, nước mắm ngon, muối, đường ướp vào cá để thấm. Khi chuẩn bị ăn, cho lá đinh lăng lót bên dưới nồi đất, bên trên cho cá vào. Um cá khoảng 5 – 7 phút là cá chín. Nên um cá vừa chín tới là được, nếu um lâu quá cá sẽ khô xảm, bớt nước ngọt không ngon. Mang cá ra cuốn với bánh tráng, lá đinh lăng tươi, chấm mắm nêm hoặc nước mắm pha chua ngọt.


Cá lòng ròng hoà cùng vị nhẩn đắng của lá đinh lăng, càng ăn càng có vị ngọt thấm thía. Hơi hướm của món ăn ruộng đồng như đọng mãi trong ký ức trong những ngày mưa.


Cá kho lá đinh lăng

Món ăn này không đòi hỏi nguyên liệu cầu kỳ mà lại rẻ, dễ tìm, ở nông thôn lẫn thành thị. Vị béo, thơm của cá quyện với vị bùi của lá đinh lăng tạo cho thực khách cảm giác ngon miệng kỳ lạ.

Trước hết, rửa sạch cá trắm hoặc cá quả, cho vào nồi, thêm mắm, muối, gia vị nước hàng như bình thường. Lá đinh lăng nhặt và rửa sạch (không nên lấy nhiều cuống). Khi nồi cá sôi, cho lá đinh lăng vào, đun âm ỉ cho cá thật nhừ và cạn nước. Cá chín có vị thơm, không tanh, lá đinh lăng nhừ mà không nát, có mùi thơm hấp dẫn, bùi và rất lạ miệng.
Đặc biệt, vào những ngày lễ tết, cái "ngán" của bánh chưng, thịt mỡ, giò chả làm ta không muốn ăn, thì chỉ cần vài khoanh cá kho với đinh lăng là ta có thể vui vẻ ngồi vào mâm cỗ. Có thể bày lá đinh lăng sống xung quanh đĩa, vài lát gừng thái mỏng trang trí. Sau đó gắp cá vào giữa lòng đĩa, gắp những nhánh lá đinh lăng chín phủ lên trên.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống

Món ngon từ đinh lăng
Lá đinh lăng dùng đế nấu canh với thịt, cá bồi bổ sản phụ mới sanh, người già hoặc người ốm mới dậy. Món cháo đinh lăng gồm gạo tẻ, tim heo, lá đinh lăng còn non rất ngon và bổ dưỡng. Nồi cá kho đinh lăng mang hương vị vừa đặc trưng lại vừa hấp dẫn. Người ta kho cá lóc hoặc cá điêu hồng với lá đinh lăng để ăn chung với cơm, cháo đều rất ngon và không kém phần bổ dưỡng. Vào thời tiết se lạnh, một nồi cá kho lá đinh lăng màu sắc đậm đà và dân dã thật khó kềm lòng những cơn đói sớm vì thời tiết. Lá đinh lăng non còn được dùng làm rau ăn sống, làm gỏi cá…
BACSI.com (Theo SGTT)