Cây táo ta làm thuốc

Cây táo ta làm thuốc


Táo là loại cây trồng phổ biến trong cả nước. Quả táo có thể ăn tươi, rất giòn và thơm ngon, hoặc chế thành mứt kẹo, nước uống… Các bộ phận của cây táo là nguồn thuốc quý, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền.
Trong quả táo chứa carbon hydrad, protein, chất béo. Ngoài ra còn chứa rất nhiều các vitamin A, C và các chất nguyên tố vi lượng Ca, P… đặc biệt thịt quả táo ta còn có anthranoid, làm nhu nhuận đại tràng.
Lá táo, chọn các lá bánh tẻ, khoảng 200 - 300g, sao vàng sắc uống, ngày hai lần trước bữa ăn một giờ, chữa các bệnh ho hen suyễn. Có thể uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng. 
Chữa ho gà hoặc ho lâu ngày: lá táo, lá chanh, lá dâu tằm mỗi vị 200g-300g, sắc uống 2-3 lần trong ngày. Uống nhiều ngày tới khi hết triệu chứng. Nước sắc lá táo cũng có thể dùng cho những trường hợp bị chứng tăng huyết áp.  Cao lá táo dán nhọt, để trừ mủ các nhọt độc, nhọt bọc, đặc biệt các nhọt có nhiều mủ, quánh đặc, khó nặn ra,  hoặc lá táo sắc lấy nước để rửa các vết thương nhiễm khuẩn có mủ…
Quả táo, giúp nhuận tràng rất tốt với những người cao tuổi. Thịt quả táo, sau khi đập bỏ hạt, đồ chín, thái mỏng, phơi khô hoặc sấy khô làm thuốc bổ thận âm hoặc kích thích tiêu hóa, thường  phối hơp với hoài sơn, bạch linh, mẫu đơn bì, trạch tả, thục địa.
Cay tao ta lam thuoc
Quả và lá táo ta.
Nhân hạt táo: Lấy hạch quả táo, rửa sạch phần thịt sót lại, phơi khô giòn, xay, sàng sẩy bỏ vỏ gỗ để lấy nhân, phơi khô, gọi là táo nhân, hay toan táo nhân. Vị thuốc này chỉ dùng dưới dạng sao đen. YHCT gọi tên vị thuốc này là “Hắc táo nhân”. Theo YHCT, hắc táo nhân, có vị chua, tính bình, quy vào các kinh tâm, can, đởm và tỳ, có  tác dụng tĩnh tâm, an thần, trị tâm huyết  bất túc, tâm thần bất an, tim đập hồi hộp, mất ngủ, chóng mặt. Hắc táo nhân có tác dụng an thần, gây ngủ,  giảm đau, chống co giật, hạ huyết áp. Liều dùng chung từ 4 - 12 g.
Mất ngủ, suy nhược thần kinh: hắc táo nhân, ngải tượng (củ bình vôi), mỗi thứ 8g, liên tâm 6g, phục linh 5g, cam thảo 4g, sắc uống, ngày một thang, uống 3 lần, sau bữa ăn, nên uống nước đầu vào bữa tối để dễ ngủ. Có thể uống liền 2-3 tuần.
Bổ can thận: táo nhân 8g, phối hợp với hà thủ ô đỏ (chế), thục địa, mạch môn, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang. Uống 2-3 tuần lễ.
Tâm thần bất an, hay hoảng hốt, bồn chồn: hắc táo nhân 6g, thảo quyết minh (sao đen), long nhãn, thục địa, liên nhục, mạch môn, mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày một thang chia 3 lần,  uống ấm, uống liền 2-3 tuần.
Cay tao ta lam thuoc
Nhân hạt táo (toan táo nhân) sao đen cho vị thuốc hắc táo nhân.
Chữa mồ hôi trộm: hắc táo nhân, nhân sâm, phục linh (đồng lượng), tán thành bột mịn, mỗi lần uống 10g với nước cháo, ngày một lần. Uống nhiều ngày tới khi hết triệu chứng. Nếu người khó ngủ, nên uống buổi sáng.
Chú ý: Khi dùng táo nhân, nhất thiết phải sao đen, nếu dùng sống sẽ có tác dụng ngược lại, là gây mất ngủ. Không nên dùng táo nhân cho những trường hợp đang bị sốt, hoặc cảm nặng. Khi dùng táo nhân cho phụ nữ có thai, phải hết sức thận trọng,  vì vị thuốc này có tác dụng co bóp mạnh cơ tử cung.
Để tránh nhầm lẫn khi sử dụng, cũng cần phân biệt với một số cây thuốc:
Táo rừng: cây mọc hoang trong các rừng, núi phía Bắc nước ta… Về hình dáng, giống táo ta, song lá và quả nhỏ hơn. Quả ăn chua nhớt và chát. Vỏ rễ, thái lát, ngâm với rượu 40% để chữa đau răng, lá nấu nước tắm, chữa ngứa lở ngoài da.
Đại táo, còn gọi là táo tàu: chỉ mọc ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc, quả to, dài, khi chín ăn ngọt, để chế đại táo thường được dùng trong các thang thuốc Đông y. Hạt của đại táo có hình dài và nhân hầu như lép, không dùng được để  làm vị thuốc táo nhân, như trên.
Táo mèo còn có tên là cây sơn tra. Cây mọc hoang hoặc được trồng ở một số tỉnh phía Bắc nước ta: Lào Cai, Yên Bái… Quả táo mèo, chủ yếu dùng kích thích tiêu hóa và trị tăng huyết áp. Quả và lá táo ta.
Nhân hạt táo (toan táo nhân) sao đen cho vị thuốc hắc táo nhân.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh