Lá giang

Lá giang: Vị thuốc lợi tiểu, tiêu thũng


Lá giang tên khác là chua méo, chua khan, dây cao su hồng. Tên khoa học: Ecdysanthea rosea Hook. et Arn., họ trúc đào (Apocynaceae).

Cây dây leo, sống lâu năm, có thể dài tới 50m. Thân mềm, nhẵn, cành non màu xanh lục nhạt; cành già màu nâu sẫm. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Lá hình trứng, mọc đối, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, gân phụ lá so le, gốc gân phụ lá có tuyến; lá có vị chua ăn được. Hoa nhỏ màu phớt hồng, mọc thành chùm. Hạt có chùm lông ở đỉnh. Cây ra hoa từ tháng 5. Bộ phận dùng làm thuốc thân, rễ và lá.
Theo Đông y, lá giang có vị chua, tính mát; vào kinh can; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn, chỉ khát. Thân cây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, chỉ khát, bài thạch.

Công dụng: Cây lá giang là cây thuốc dân gian, dùng chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau dạ dày, đau nhức xương khớp. Dùng ngoài chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da. Dùng làm thực phẩm có vị chua khi chế biến các món ăn (cá, thịt). Thân lá giang làm thuốc chữa sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu, viêm thận mạn tính.
- Chữa sỏi đường tiết niệu: thân lá giang (hoặc lá) 100 - 200g. Sắc uống nhiều lần trong ngày.
- Chữa ăn không tiêu, bụng trướng đầy: lá giang 30 - 50g. Sắc uống. Đơn thuốc này uống liên tục chữa được sỏi và viêm đường tiết niệu.
- Chữa đau nhức xương khớp, đau dạ dày: rễ hoặc lá 20 - 40g. Sắc uống; thường kết hợp với một số vị thuốc khác.
- Chữa mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, vết thương: lá tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương.
- Chữa viêm bàng quang bằng canh chua lá giang: lá giang nấu canh chua với cá hay thịt gà có tác dụng phòng chữa viêm đường tiết niệu với các triệu chứng đái dắt, đái buốt.
- Thực phẩm chữa bệnh trong bữa ăn hằng ngày: Lá giang nấu canh chua với nhiều hải sản, kể cả thịt gia cầm, gia súc, có tác dụng làm giảm khả năng gây dị ứng của hải sản và thịt gia cầm gia súc, do lá giang có tác dụng thanh nhiệt giải độc.