Cây cỏ cứu tinh cho người đau khớp

Cây cỏ cứu tinh cho người đau khớpCác bệnh lý về khớp thường là những bệnh mạn tính, điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng.
Y học cổ truyền từ xưa đã có những vị thuốc từ thảo dược thiên nhiên giúp làm giảm sưng, đau, kháng viêm cho người đau khớp, không có tác dụng phụ.

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trong các loại thảo dược, có bốn nhóm cây chứa các hoạt chất tốt cho khớp, gồm:

­­Nhóm cây cỏ có tinh dầu, tác dụng giảm đau, thư giãn gân cốt như lá lốt, thiên niên kiện, khương hoạt, độc hoạt, kinh giới, quế chi, tế tân, ngũ gia bì…

Nhóm cây cỏ có chứa saponosid, tác dụng kháng viêm mạnh gồm: cỏ xước, ngưu tất, thổ phục linh, cốt toái bổ, tang ký sinh… Các kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt chất này có tác dụng kháng viêm tương đương corticoid nhưng không gây tác dụng phụ.

Nhóm cây cỏ chứa flavonoid giúp giảm viêm, chống sưng, tăng cường chất keo trong khớp, chống oxy hóa tế bào như sài đất, kim ngân, các loại rau, củ, quả có màu sậm như anh đào, mận, nho, việt quất, dâu tằm…

Nhóm viatamin A hoặc beta caroten và vitamin C như đu đủ, dâu tây, cam, chanh, quýt, khoai lang, cà rốt… ngoài bổ sung vitamin còn có tác dụng kháng viêm và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Và dưới đây là các cách sử dụng một số thảo dược để chữa đau khớp, vừa rẻ tiền, dễ tìm, vừa dễ sử dụng và không có độc tính.
Lá lốt dùng làm rau ăn có tác dụng chữa tê thấp, đau lưng, tay chân tê dại.
Cà gai leo: Dùng rễ, rửa sạch, xắt mỏng, phơi khô, mỗi ngày sắc 10-20 g lấy nước uống có tác dụng chữa phong thấp, đau nhức các đầu gân xương.

Cỏ xước còn gọi là ngưu tất nam: Dùng cả cây và rễ, cây có chứa nhiều saponin có tác dụng chống viêm. Mỗi ngày dùng 10-16 g sắc uống chữa sưng khớp gối, đau nhức gân cốt, đau lưng.

Lá lốt: Dùng làm rau ăn có tác dụng chữa tê thấp, đau lưng, tay chân tê dại, ngày 8-12 g sắc riêng hoặc sắc chung với dây đau xương, cốt khí củ, rễ cỏ xước đồng lượng. Có thể nấu nước ngâm tay chân cho người hay bị đổ mồ hôi tay chân.

Thổ phục linh: Dùng thân, rễ phơi khô có tác dụng lợi gân cốt, kiện tỳ, giải độc, tiêu phù. Mỗi ngày dùng 10-12 g sắc uống hoặc phối hợp thành bài thuốc gồm thổ phục linh (20 g), thiên niên kiện, đương quy (8 g), bạch chỉ (6 g), cốt toái bổ (10 g), sắc uống hoặc ngâm rượu chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tê buốt chân tay.


Dây đau xương: Dùng thân dây, ngày 8-10 g sắc uống chữa bệnh tê thấp, đau nhức gân cốt, có thể giã lá tươi trộn với rượu đắp lên các chỗ sưng đau.


Ké đầu ngựa: Dùng quả chín vàng khô. Quả có vị đắng, tính mát, tác dụng tán phong trừ thấp, ngày dùng 6-12 g dạng thuốc sắc chữa phong thấp, tay chân co rút, các khớp sưng đau.
Cây cỏ cứu tinh cho người đau khớp
Đau khớp nên hạn chế đường, bột, chất béo no (ảnh minh họa)
Thiên niên kiện: Dùng thân rễ, ngày 10-12 g sắc uống hoặc ngâm rượu, tác dụng bổi gân cốt, chân tay tê mỏi, ê ẩm mình mẩy…


Ngũ gia bì: Dùng vỏ thân hay vỏ rễ, sắc uống hoặc ngâm rượu chữa phong thấp, làm mạnh gân cốt, tăng lực.
Các vị thuốc trên đều có thể mua tại các hiệu thuốc y học cổ truyền nhưng cần thận trọng vì có thể gặp thuốc giả hoặc kém phẩm chất (bị mốc, mục…). Cần chú ý, trong dân gian người ta có thể dùng các thuốc giảm đau khớp như thịt rắn hổ, cao hổ cốt, rễ ô đầu… nhưng đây là những loại thuốc có độc tính nên khi dùng phải thận trọng và nên theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Về ăn uống, người đau khớp không nên ăn nhiều thịt đỏ, hạn chế đường, bột, chất béo no, nên ăn nhiều cá (có chứa chất béo chưa no Omega 3), nhiều rau cải và trái cây màu sậm…