Hà thủ

Hà thủ ô trắng và mã liên an

Trong bài viết “Ai chữa bệnh cho Bác Hồ? Bằng biệt dược gì?” của tác giả Đắc Trung đăng trong Cây thuốc quý số 21 ngày 20/8/2004 có nói về một loại biệt dược đã cứu Bác thoát khỏi căn bệnh sốt rét có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Bà con địa phương đã tìm ông lang giỏi đến xem mạch và tìm thuốc cho Bác. Ông đã trèo lên tận đỉnh Núi Hồng (xã Kim Long, huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang) tìm được củ thuốc quý đem về đốt cháy, hoà cùng cháo loãng để Bác uống. Nhờ thứ biệt dược ấy mà Bác cắt được cơn sốt và sức khỏe được phục hồi dần.



Trong bài giới thiệu về Hà thủ ô trắng, tác giả Đỗ Tất Lợi, trong các lần xuất bản bộ sách “ Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đều ghi Hà thủ ô trắng còn có tên khác là Mã liên an. Lần in thứ 6 (1991): “ Theo sự điều tra của bản thân tôi trong kháng chiến tại các vùng dân tộc, người ta dùng củ và thân lá cây này chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét”. Đến lần in thứ 7 (1995) và gần đây nhất (1999) tác giả ghi: “Nhưng từ năm 1974, chúng tôi tham  khảo những tài liệu sách của Trung Quốc, thấy tên vị Mã liên an có tên khoa học là Streptocaulon griffithii Hook.f., còn tên Hà thủ ô trắng là Streptocaulon juventas (Lour) Merr. thì chỉ có tên Trung Quốc là Ám tiêu đằng”. Tác giả viết “Tên Mã liên an do chúng tôi lấy được của một người dân tộc vùng huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho tên. Theo lời kể Bác Hồ bị cảm sốt nặng vào tháng 7-1945, được một ông lang người dân tộc dùng củ cây này chữa khỏi. Cho nên, Bác Hồ có dặn các đội viên trong Đội tuyên truyền giải phóng quân (trước Cách mạng) hễ thấy cây này thì hái lấy, mang theo mình phòng khi cần đến. Có thể đây là một vị thuốc chữa cảm sốt mới”. Qua đó, có thể thấy cây thuốc trị bệnh cho Bác Hồ là cây Mã liên an, rất gần với cây Hà thủ ô trắng. Đó là 2 loài cây khác nhau. Năm 1997, trong Từ điển cây thuốc Việt Nam, chúng tôi đã giới thiệu cả 2 loài này.

Như trên đã nêu, hai loài này đều thuộc chi Streptocaulon Wight et Arn. Chi này bao gồm 5 loài phân bố từ Ấn Độ đến quần đảo Mã Lai. Ở nước ta hiện biết 4 loài trong đó có 2 loài được sử dụng làm thuốc.

* Streptocaulon juventas (Lour.) Merr: Hà thủ ô trắng, Cây vú bò

Dây leo dài 2 – 5m. Các nhánh lởm chởm lông màu hung hay nâu tía, có lông sít nhau nhất là ở các phần non, rụng dần khi già. Lá thay đổi nhiều về hình dạng và kích thước, hình bầu dục hay trái xoan ngược, rộng ra ở giữa và nửa phía dưới, đầu nhọn hay có mũi, gốc tròn hay cụt, có lông như len ở mặt trên, có lông xám hung ở mặt dưới; phiến dài 4 – 14cm, rộng 2 – 9 (10cm); gân bên 16 – 20 đôi; cuống lá có nhiều lông, dài 5 – 8mm. Cụm hoa xim, có lông nhiều, phân nhánh lưỡng phân và thường vượt vượt quá lá. Hoa 10 – 15, nhỏ, tràng hoa nhẵn, có ống ngắn, thuỳ hình trái xoan cao 8mm, màu nâu nâu, nâu vàng, vàng tím hoặc xám, mặt trong màu đỏ rượu vang; tràng phụ có sợi đính trên chỗ lõm của lưng các bao phấn. Quả đại dãng ra, hình con thoi, màu xám, có lông hung, dài 7 – 11cm, rộng 8mm. Hạt dẹp, có lườn ở lưng, dài 5 – 7mm, rộng 2mm, có mào lông mềm dài 2,5cm. Cây mọc ở ven rừng thưa, trảng cây bụi ở vùng đồi; cây chịu hạn. Phân bố ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Ninh Bình…

Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh ghi: “Hà thủ ô trắng : Rễ (củ) dây sữa bò, vị ngọt đắng, tính ấm, nhu nhuận, mạnh gân bổ tuỷ, trừ nhọt độc, uống lâu sẽ tăng tuổi thọ”.

Kiêng đồ sắt, lấy dao nứa cạo bỏ vỏ thô, dùng chày gỗ giã cho nát ra, tẩm nước vo gạo một đêm, phơi khô mà dùng. Khi uống, kiêng ăn các thứ tiết, cá không vẩy, củ cải và hành, tỏi”.

Trong Lĩnh Nam bản thảo, quyển thượng, Hải Thượng Lãn Ông ghi:

Hà thủ ô rễ dây sữa bò

Vị ngọt, đắng chát, tính ôn nhu

Mạnh gân bổ tuỷ, trừ mụn độc

Uống lâu thì sẽ sống càng lâu

Với ghi chú và kiêng kỵ như trong Nam dược thần hiệu.

Gần đây trong bộ sách “1000 cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” xuất bản tháng 2 năm 2004, các tác giả ghi: “Hà thủ ô trắng có tên khác: Củ vú bò, Dây sữa bò, Cây sừng bò, Dây mốc, Mã liên an, Khâu nước, Khâu cần cà (Tày), Chừa ma sìn (Thái), Xạ ú pẹ (Dao), Sân ra, Zờ nạ (KHo), Pắt (KDong).

Rễ củ có nhiều tinh bột và alcaloit. Rễ Hà thủ ô trắng dùng sống thì thanh nhiệt, giải độc, chữa cảm sốt, sốt nóng, sốt rét, ra nhiều mồ hôi, đau vùng tâm vị, bị thương, sưng đau, ít sữa; nếu chế biến, cách dùng giống Hà thủ ô đỏ. Ngày 12 – 20g dạng thuốc sắc, cao hoặc rượu thuốc.

Lá Hà thủ ô trắng uống chữa đái dắt, đái buốt. Rễ hoặc lá Hà thủ ô trắng nhai nuốt nước, bã đắp chữa rắn cắn. Còn dùng lá và cành đun nước tắm và rửa để chữa lở ngứa. Có thể phối hợp với lá Ngải cứu, không dùng Hà thủ ô trắng đối với người hư yếu, tạng lạnh đồng thời kiêng ăn tiết lợn, cá, lươn, rau cải, hành, tỏi.


* Streptocaulon griffithii Hook.f: Mã liên an, Hà thủ ô Griffith


Ở Trung Quốc người ta thường lẫn tên của hai loài cây này. Có sách ghi Ám tiêu đằng có tên là Cổ dương đằng, phần đông ghi vị thuốc từ cây này là Cổ dương đằng (……….) với tên đồng nghĩa là Mã liên an, Đằng khổ sâm, Sơn ám tiêu, Địa khổ sâm. Ngay tên Mã liên an cũng có sách viết khác nhau, có sách viết ………. với liên nghĩa là gắn bó, nối liền, có sách ……….với liên nghĩa là cây sen. Trong Từ điển cây thuốc, chúng tôi dùng tên Mã liên an.

Cây bụi leo. Nhánh màu nâu tía, các chồi non có lông. Lá hình trái xoan, thuôn hay hình ngọn giáo ngược, nửa phía trên rộng hơn, nhọn ngắn ở đầu, tròn hay hình tim ở gốc, mặt trên xám và có lông rậm, mặt dưới màu xám nâu, dài 7 – 15cm, rộng 3 – 7 cm; gân giữa lồi ở mặt dưới, có rãnh ở mặt trên, gân bên 14 – 18 đôi, cong lại ở mép; cuống lá dài 5mm. Cụm hoa xim lưỡng phân, có lông, dài và rộng 2,5 – 5cm; cuống chung dài 5mm, các nhánh có lá bắc mọc đối, tồn tại; cuống hoa mảnh, dài 3 – 7mm; đài có lông phún; tràng hoa màu lục, mặt trong màu vàng hồng, có ống ngắn, thuỳ dài 2,5 – 3,7mm; tràng phụ có 5 phiến hình sợi trên gốc dạng đĩa hay vòng. Quả đại mảnh, thẳng, dài 7 – 12cm, đường kính 5 – 7mm, dãng ra thành góc 170o; hạt thuôn, thắt lại ở đỉnh, có lườn ở bụng, dài 7,5mm, rộng 2,5mm; mào lông dài 2,5mm, rậm.

Mã liên an mọc ở ven rừng thưa hay ở trảng cây bụi. Cây ưa sáng. Ra hoa tháng 8 – 10, có quả tháng 10 – 12. Phân bố từ Hà Tây, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế vào Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Loài này được sử dụng rất nhiều ở Trung Quốc. Hầu hết các sách thuốc có nói đến với tên Cổ dương đằng hay Mã liên an.

Có thể dùng rễ, lá hoặc toàn cây; có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Cây có vị đắng, hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hành khí chỉ thống, tiêu tích kiện vị. Có tác dụng trị: Cảm mạo phát sốt, sốt rét; viêm ruột ỉa chảy, dạ dày và ruột quặn đau, tiêu hoá không bình thường, lỵ, đau bụng, đau dạ dày; đòn ngã ứ máu sưng đau, lưng mỏi đùi đau; viêm thận mạn tính, viêm ruột thừa. Còn dùng trị rắn độc cắn, lâm trọc, loét ngoài da. Liều dùng uống trong 4 – 8g sắc nước uống hoặc tán bột uống 2 – 4g; dùng ngoài giã tươi đắp. Người thể trạng hư hàn không nên uống.

Một số bài thuốc được dùng ở Trung Quốc:

- Viêm ruột cấp và mạn tính, tâm vị khí thống, ngoại cảm hàn nhiệt: Rễ Mã liên an phơi khô tán bột, mỗi lần dùng 2 – 4g, chiêu với nước, ngày 2 lần.

- Hồng; bạch lỵ: Mã liên an 30 – 40g, thêm 15 – 20g Đường trắng, nấu nước uống, chia 2 lần uống trong ngày.

- Rắn độc cắn: Mã liên an 60g giã nát trộn với 60ml rượu, chiết lấy 30ml dịch rượu uống trong, bã dùng đắp vào vết cắn.

- Loét ngoài da: Mã liên an, cây Mua, Tuỳ lương, phơi khô tán bột,mỗi lần uống 1 – 2g, ngày 3 – 4 lần, liên tục một tháng. Bên ngoài dùng bột bôi lên vết loét.

Cũng cần chú ý là hai loài cây Hà thủ ô trắng và Mã liên an rất gần gũi với nhau dẫn đến việc gọi nhầm và sử dụng chưa thật đúng.


Caythuocquy.info.vn


Cây Hà thủ ô đỏ


DẠ GIAO ĐẰNG



Cây Hà thủ ô đỏ
Cần chú ý, khi dùng Hà thủ ô đỏ cần kiêng ăn huyết động vật, hành, tỏi và củ cải. Khi bào chế không được dùng các dụng cụ bằng kim loại. Cách thức chế biến Hà thủ ô đỏ khác nhau cũng cho tác dụng khác nhau.

 Hà thủ ô đỏ ít nhất có 3 tác dụng đặc biệt
Làm đen râu, tóc
Theo quan niệm của y học cổ truyền, râu tóc có quan hệ mật thiết với tạng thận, thận tàng tinh, tinh sinh huyết. Tóc là phần thừa của huyết cho nên nếu thận hư yếu thì tóc không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ sớm bạc và dễ rụng.
Ngược lại nếu thận tinh sung túc thì râu tóc dày khỏe và đen bóng. Hà thủ ô đỏ có công dụng bồi bổ can thận, dưỡng huyết tư âm, bởi vậy khả năng làm đen râu tóc của vị thuốc này là điều dễ hiểu.
Có lợi cho việc sinh con
Lý luận của y học cổ truyền cho rằng thận tàng tinh, chủ về việc sinh con đẻ cái. Nếu thận tinh sung túc thì sự sinh trưởng phát dục của cơ thể diễn ra thuận lợi, năng lực tính dục được khôi phục và nâng cao nên rất dễ sinh con. Trong sách Bản thảo cương mục, danh y Lý Thời Trân đã ghi lại chuyện Minh Thế Tông hoàng đế chữa khỏi chứng bất dục bằng phương thuốc Thất bảo mỹ nhiêm đan trứ danh với chủ dược là Hà thủ ô đỏ.
Kéo dài tuổi thọ
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh Hà thủ ô đỏ có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, giúp ngăn ngừa tình trạng vữa xơ động mạch, bảo vệ tế bào gan, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, nâng cao khả năng miễn dịch, cải thiện hoạt động của hệ thống tuyến nội tiết, đặc biệt là tuyến thượng thận và giáp trạng. Ngoài ra, Hà thủ ô đỏ còn có tác dụng kháng khuẩn, nâng cao khả năng chống rét của cơ thể, nhuận tràng và giải độc.
Một số món ăn - bài thuốc chứa Hà thủ ô đỏ:
- Hà thủ ô đỏ 30g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, mổ bụng, rửa sạch. Hà thủ ô đỏ nghiền thành bột đựng trong túi vải buộc chặt rồi cho vào bụng gà. Tất cả đem hầm bằng nồi đất thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn trong ngày.
- Hà thủ ô đỏ 60g, trứng gà 3 quả. Sắc Hà thủ ô đỏ lấy nước bỏ bã rồi đập trứng vào đun chín là được.
- Hà thủ ô đỏ 30g, đại táo 3 quả, gạo tẻ 100g, đường đỏ 50g. Hà thủ ô đỏ ngâm nước 2 giờ rồi sắc trong 1 giờ, bỏ bã lấy nước đem nấu với gạo và đại táo thành cháo, chế thêm đường ăn trong ngày….
Nhìn chung, Hà thủ ô đỏ đã qua chế biến (chế với đỗ đen bằng cách cửu chưng, cửu sái) có công dụng bổ thận ích tinh, tư âm dưỡng huyết, còn Hà thủ ô đỏ sống và tươi có công dụng thông tiện, giải độc. 

Hà Thủ Ô trắng vị ngọt đắng, tính mát, dùng sống thì thanh nhiệt, giải độc, chữa cảm sốt, nóng, đau vùng tâm vị hoặc bị thương sưng đau, phụ nữ đẻ ít sữa.
Ngâm nước đậu đen, đồ, phơi 9 lần (cửu chế) thì có tác dụng bổ thận, chữa gối lưng đau. Tuệ Tĩnh dùng Hà Thủ Ô trắng hay Hà Thủ Ô đỏ với lượng bằng nhau ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô, tán nhỏ, luyện mật ong, làm viên bằng hạt đậu xanh, uống mỗi ngày 50 viên với rượu trước bữa ăn, có tác dụng bổ khí huyết, thêm tinh tủy, mạnh gân cốt (Nam dược thần hiệu).


Một số món ăn - bài thuốc chứa hà thủ ô


Hà thủ ô 30 g, gà mái 1 con, gia vị vừa đủ. Gà làm thịt, mổ bụng, rửa sạch. Hà thủ ô nghiền thành bột đựng trong túi vải buộc chặt rồi cho vào bụng gà. Tất cả đem hầm bằng nồi đất thật nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn trong ngày.
Hà thủ ô 60 g, trứng gà 3 quả. Sắc hà thủ ô lấy nước bỏ bã rồi đập trứng vào đun chín là được.
Hà thủ ô 15-20 g cho vào nồi đất hầm nhừ rồi cho thêm 50-100 g gạo nấu thành cháo, chế thêm mật o­ng ăn khi đói.
Hà thủ ô 20 g, sơn tra 20 g. Hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút là dùng được, uống thay trà hằng ngày.
Khi dùng hà thủ ô, cần kiêng ăn huyết động vật, hành, tỏi và củ cải. Khi bào chế, không được dùng dụng cụ bằng kim loại.



Theo Sức Khỏe & Đời Sống


Hà Thủ Ô, phải chế biến mới dùng được: vào mù thu, hoặc mùa xuân người ta thường đào lấy rễ quen gọi là củ. Củ có hình dáng quăn queo, giống củ khoai lang, do đó nó còn có tên: Mần Đăng (khoai lang). Củ thường có khối lượng từ 0,5kg đến vài cân. Năm 1967, trong dịp điều tra dược liệu lần đầu tiên ở Miền Bắc Việt Nam, các nhà khoa học đã đào được một củ Hà Thủ Ô đỏ, rất to, dài gần 1m, nặng gần tới 6 kg ở Mường Khương, Lào Cai. Hà Thủ Ô đỏ, sau khi đào, rửa sạch, có thể bổ nhỏ, phơi khô, bảo quản. Khi sử dụng phải tiến hành chế biến tiếp. Trước hết đem các miếng Hà Thủ Ô ngâm với nước vo gạo (nước gạo, mới vo) từ 12-24 giờ thỉnh thoảng khấy đảo, để loại bớt chất chát. Sau đó rửa sạch, tiếp đó là chế với đậu đen. Có thể lấy nước sắc của đậu đen (1kg Hà Thủ Ô, 100-200g đậu đen). Trước hết đem đậu đen nấu nhừ, vài lần. Gạn lấy nước. Cho nước này vào nấu Hà Thủ Ô. Xếp các miếng Hà Thủ Ô vào nồi, to xuống dưới, nhỏ lên trên, cần đổ ngập nước 2cm, đun nhiều giờ cho đến khi Hà Thủ Ô chín tới lõi. Lấy Hà Thủ Ô ra, bỏ lõi, thái mỏng. Lấy dịch nấu còn lại, tẩm nhiều lần, vừa tẩm vừa phơi, cho đến hết dịch nấu. Cuối cùng phơi thật khô. Cũng có thể chế theo cách đồ. Cứ một lớp Hà Thủ Ô, lại rắc một lớp đậu đen. Cũng xếp Hà Thủ Ô theo nguyên tắc trên, miếng to xuống dưới, miếng nhỏ lên trên. Đồ đến khi miếng Hà Thủ Ô chín tới tận lõi. Sau tiếp tục làm như trên.
Hà Thủ Ô sau chế, có màu nâu tím, thể chất giòn. Nhấm ngậm bùi, hầu như hết vị chat. Và chỉ sau chế, mới có thể dùng làm thuốc uống trong được.
Người ta còn chế Hà Thủ Ô với rượu bằng cách chưng hoặc đồ: 1kg Hà Thủ Ô trộn đều với 0,2 - 0,25 lít rượu trắng. Ủ cho ngấm đều rồi đồ chín, phơi khô. Hoặc đem Hà Thủ Ô, cùng nấu với nước cháo và đậu đen trong 2 giờ, sau tiếp tục đồ 2 giờ nữa. Rồi dùng nước nồi đáy, tẩm phơi đến hết và khô giòn. Trong điều trị người ta còn chế bằng nhiều cách khác nữa, như nấu Hà Thủ Ô với đậu đen và gừng, hoặc Hà Thủ Ô với cam thảo, đậu đen hà thủ ô với thục địa. Việc chế biến các phụ liệu khác nhau như vậy, không ngoài mục đích làm tăng thêm tác dụng bổ huyết, bổ thận của vị thuốc.
Thành phần của Hà Thủ Ô: trong vị thuốc này, nổi bật lên hai nhóm chất:
Nhóm thứ nhất (anthranoid), chiếm tới tỉ lệ 1,7% là những thành phần gây tăng nhu cầu ruột, và làm cho phân bị nát lỏng, có lợi cho trường hợp viêm đại tràng thể nhiệt, phân bị táo bón. Trong các thành phần loại này bao gồm chrysophanol: C15H10O4,, emodin: C15H10O5,rhein: C15H8O6, chrysophanol anthron: C15H12O3, rhapontin: C21­H24O9,    2, 3, 5, 4 Tetrahydroxystiben - O-↓ - D - glucosid.
Nhóm thứ hai (tannin), là những thành phần, đưa lại vị chat cho các vị thuốc Đông dược nói chung. Nó có lợi cho các trường hợp viêm đại tràng thể hư hàn, đại tiện nát lỏng, song bất lợi cho các trường hợp viêm đại tràng thể nhiệt, đại tiện táo bón.
Ngoài ra trong vị thuốc còn có các chất đạm (1,1%), chất béo (3,10%), tinh bột (45,2%), chất vô cơ (4,5%), các chất tan trong nước lên tới 26,4%. Một chất khá quan trọng có trong Hà Thủ Ô, đó là hợp chất lexitin, một phosphatid, là sự kết hợp của acid glycerophosphoric với một phân tử cholin và hai phân tử acid béo.
Tác dụng sinh học của Hà Thủ Ô: làm tăng nhu động ruột do các thành phần anthranoid, do đó làm xúc tiến khả năng tiêu hóa của dạ dày và ruột.
Tác dụng nhuận tràng cũng do chính thành phần anthranoid gây ra.
Dịch nước sắc của Hà Thủ Ô đỏ chế, liều 0,35g trên chuột đa cắt bỏ tuyến thượng thận, có khả năng làm tăng tích lũy đường glycogen ở gan lên 6 lần. Tác dụng này chỉ có ở Hà Thủ Ô chế.
Tác dụng bổ thần kinh: do lexitin. Lexitin còn có tác dụng làm cường tim ếch cô lập, giúp tạo hồng cầu tốt hơn.
Nước sắc Hà Thủ Ô đỏ có tác dụng ức chế trực khuẩn lao.
Dịch chiết cồn Hà Thủ Ô đỏ, tiêm phúc mạc chuột nhắt, xác định LD50 là 5,5g/kg thể trọng. Còn có tác dụng hạ cholesterol đối với chuột cống, liều 1,5g/ml(nước sắc). Hà Thủ Ô đỏ,còn có tác dụng chống oxy hóa.
Những lưu ý khi dùng Hà Thủ Ô: như ta đã biết trong vị thuốc Hà Thủ Ô, có hai thành phần chính: các anthranoid, có tác dụng gây tăng nhu cầu động ruột, và gây tiêu chảy. Thành phần thứ hai là tannin, lại có tác dụng làm se ruột, gây táo bón. Như vậy, hai thành phần này luôn có tác dụng đối lập nhau. Vì thế, để dùng được tốt vị Hà Thủ Ô đỏ, người ta phải chú ý đến chế biến vị thuốc này, loại hết phần tannin, để không bị táo bón, bằng cách ngâm với nước vo gạo, và chế biến với các phụ liệu nói trên. Nếu việc chế biến không đạt yêu cầu, sẽ xảy ra hiện tượng vừa bị táo, lại vừa lỏng phân. Và dĩ nhiên, kết quả điều trị sẽ không đạt yêu cầu.
Công năng - chủ trị: theo y hoc cổ truyền, Hà Thủ Ô có vị đắng, chat, ính ấm, quy vào hai kinh: can, thận.
Với công năng: bổ can thận, bổ khí huyết. Được dùng trong các trong các trường hợp can thận, âm hư, gây đau lưng, mỏi gối, yếu gân cốt, di tinh, liệt dương; phụ nữ khí hư bạch đới, kinh nguyệt không đều. Các trường hợp da xanh, thiếu máu, gầy còm, đại tiện táo kết, tiêu hóa kém. Nhìn chung, Hà Thủ Ô đỏ là vị thuốc bổ huyết, bổ can thận. Do vậy,những người tóc bạc sớm cholesterol tăng, dùng rất tốt. Do tính chất đặc biệt là khả năng tăng tích lũy glycogen trong gan, nên Hà Thủ Ô dùng tốt cho các bệnh nhân tiểu đường và tăng mỡ máu và nhất là những trường hợp vừa tăng đường huyết, vừa tăng cholesterol, là một bệnh khá phổ biến hiện nay, không những trên thế giới mà ngay cả ở nước ta. Qua đây, ta càng thấy rõ, tuổi thọ vượt quá 3 chữ số của gia tộc cụ Hà Thủ Ô, tuy là câu chuyện thiên nhiều về tính “truyền thuyết”, song phần nào cũng có cơ sở để phán ánh được bản chất của vị thuốc quý giá này.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Công năng: Bổ huyết giữ tinh, hoà khí huyết, bổ can thận, mạnh gân xương, nhuận tràng.

Công dụng: Bổ máu, trị thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng, mỏi gối, di mộng tinh, bạch đới, đại tiểu tiện ra máu, mẩn ngứa. Uống lâu làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.

Cách dùng, liều lượng: 12-20g một ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột, rượu bổ. Trước khi dùng phải chế biến, phụ liệu chính là đậu đen.

Bào chế:

Chế Hà thủ ô: Rửa sạch củ, ngâm nước vo gạo 1 ngày 1 đêm, sau đó rửa lại. Đổ nước đậu đen cho ngập (cứ 1 kg Hà thủ ô cần 100 g đậu đen, 2 lít nước, nấu  đến khi đậu đen nhừ nát), nấu đến khi gần cạn, cần đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm, lấy ra, bỏ lõi (nếu có). Thái hoặc cạo mỏng rồi phơi khô. Nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho hết.Nếu đồ, phơi 9 lần (cửu chưng cửu sái) thì càng tốt. Khi đun nên đặt vỉ ở đáy nồi cho khỏi cháy dược liệu.

+ Chữa huyết hư máu nóng, tóc khô hay rụng, sớm bạc, và hồi hộp chóng mặt, ù tai, hoa mắt, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón, dùng Hà thủ ô chế, Sinh địa, Huyền sâm, mỗi vị 20g sắc uống. 

+ Chữa người già xơ cứng mạch máu, huyết áp cao hoặc nam giới tinh yếu khó có con, dùng Hà thủ ô 20g, Tầm gửi Dâu, Kỷ tử, Ngưu tất đều 16g sắc uống. 

+ Bổ khí huyết, mạnh gân cốt, Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ với lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô tán nhỏ, luyện với mật làm viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu vào lúc đói. 

+ Chữa đái dắt buốt, đái ra máu (Bệnh lao lâm), dùng lá Hà thủ ô, lá Huyết dụ bằng nhau sắc rồi hoà thêm mật vào uống. 

+ Điều kinh bổ huyết: Hà thủ ô (rễ, lá) 1 rổ lớn, Đậu đen 1/2kg. Hai thứ giã nát, đổ ngập nước, nấu nhừ, lấy vải mỏng lọc nước cốt, nấu thành cao, thêm 1/2 lít mật ong, nấu lại thành cao, để trong thố đậy kín, mỗi lần dùng 1 muỗng canh, dùng được lâu mới công hiệu.

Kiêng kỵ: Uống Hà thủ ô thì kiêng ăn hành, tỏi, cải củ. Đối với người có áp huyết thấp và đường huyết thấp thì kiêng dùng.

Ghi chú: Hà thủ ô trắng là rễ củ của cây Hà thủ ô trắng, còn gọi là Dây sữa bò (Streptocaulon juventas Merr.), họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Cây mọc hoang khắp nơi trong nước ta. Các lương y dùng Hà thủ ô trắng làm thuốc bổ máu, bổ can thận.