Sen cạn được trồng nhiều nơi để làm cảnh,làm rau ăn và làm thuốc. Cây được trồng ở vườn,dọc hàng rào. Hoa nở vào tháng 5 - 9. Các bộ phận làm thuốc là toàn cây,có thể thu hái toàn cây quanh năm.
Lá non được dùng ăn sống hoặc nấu súp với khoai tây. Nụ hoa và quả xanh dùng ngâm giấm làm gia vị,có mùi vị như rau cải soong,ăn rất ngon miệng.
Theo y học cổ truyền,sen cạn có vị cay,chua,tính mát,tác dụng thanh nhiệt giải độc,lương huyết (làm mát máu) cầm máu,điều kinh,lợi tiểu,nhuận trường,trị ho...
Chữa ho do lạnh: Lá sen cạn tươi 20 - 30g hoặc hạt sen cạn 2 - 3g,giã nhỏ,hãm với 100ml nước sôi trong 5 - 10 phút. Chia 2 - 3 lần uống sau bữa ăn. Có thể thêm ít đường hoặc chất thơm cho dễ uống.
Chữa táo bón: Quả sen cạn đã chín,phơi khô 0,6 - 1g nghiền thành bột,trộn với đường hoặc mật ong,uống trước khi đi ngủ. Có thể dùng quả tươi nghiền nát,lấy 1 - 3 thìa cà phê nước quả,thêm để uống,10 ngày một liệu trình.
Chữa tiểu tiện khó khăn: Lá sen cạn 20 - 30g,sắc với 500ml nước,còn lại 200ml,chia 2 lần uống trong ngày,sau khi ăn từ 2 giờ.
Chữa rụng tóc: Hoa sen cạn 100g,hạt tươi 100g,rửa sạch cho vào ấm đổ 1000ml nước,sắc còn 300ml. Lấy nước thuốc đã sắc xoa vào tóc ngày 1 lần giúp cho tóc mọc nhanh hơn.
Chú ý: Sen cạn có thể gây kích ứng trên niêm mạc dạ dày,người viêm loét dạ dày cần thận trọng khi dùng. Để bài thuốc đem lại hiệu quả cần được thầy thuốc Đông y bắt mạch kê đơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống