Quả ổi


Quả ổi chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Ăn ổi có thể giảm được nhiều bệnh tật, theo báo The Times of India dẫn nguồn từ các chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ.

Ổi giúp điều chỉnh huyết áp. Một quả ổi được cho chứa một lượng kali tương tự như trong một trái chuối. Kali đảo ngược tác dụng của natri, do đó giúp cân bằng huyết áp. Ngoài ra, ăn ổi giúp giảm lượng cholesterol trong máu.
Ăn ổi có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu đường trong máu. Ổi rất giàu chất xơ và hữu ích cho bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một chế độ ăn uống giàu chất xơ (5,4 gr đối với mỗi 100 gr trái cây) có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát bệnh tiểu đường dạng 2. Chất xơ trong ổi còn giúp chống táo bón.
Theo các chuyên gia, ổi chứa lượng vitamin C cao gấp 4 lần lượng vitamin C có trong quả cam. Vitamin C có đặc tính chống ô xy hóa, bảo vệ tế bào khỏi những tổn hại do các phân tử gốc tự do gây ra và góp phần giảm nguy cơ ung thư. Các bệnh về da như scurvy (bệnh của máu do thiếu vitamin C) có thể được cải thiện vì nhờ hàm lượng cao vitamin C trong ổi.
Mặc dù ổi không chứa i ốt, song ăn loại quả này giúp cải thiện chức năng tuyến giáp. Đó là do ổi có chứa chất đồng, giúp sản xuất và hấp thụ hormone. Ổi là nguồn dồi dào mangan, kích hoạt enzyme sử dụng hiệu quả các chất dinh dưỡng như thiamin, biotin và a xít ascorbic.
Nếu bạn muốn tối ưu hóa chức năng não bộ, nên chọn ăn ổi. Quả ổi giàu vitamin B. Niacin hay còn gọi là vitamin B3, thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó kích thích chức năng não. Vitamin B6, còn được gọi là pyridoxine, hỗ trợ não bộ và chức năng thần kinh.
Ổi còn giúp cải thiện thị lực vì chứa nhiều vitamin A. Ổi chứa nhiều chất chống ô xy hóa và có đặc tính làm se, giúp nuôi dưỡng da. Ổi ruột đỏ được cho chứa lượng lycopene gấp đôi so với lượng lycopene có trong quả cà chua. Lycopene bảo vệ da khỏi những tổn hại do các tia cực tím và có tác dụng chống bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Lá ổi cũng có đặc tính chữa bệnh. Nước ép từ lá ổi được cho giúp bớt cảm lạnh và ho khi giảm hình thành chất nhờn, khử trùng đường hô hấp và cản trở các hoạt động của vi khuẩn trong họng. 
Nhất Linh