Nước Mỹ là một vương quốc xe hơi hàng đầu thế giới, vì ở Mỹ, tổng kim ngạch của nền công nghiệp xe hơi và các ngành liên quan chiếm tới 1/5 tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế quốc dân Mỹ.
Nhưng xe hơi Nhật Bản, với tinh thần chịu đựng gian khổ, với nghị lực và quyết tâm kiên trì không biết mệt mỏi, trải qua gần 25 năm ròng rã, cuối cùng đã chinh phục được thị trường Mỹ. Như ta đã biết, đặc điểm chủ yếu của xe hơi Mỹ là ở chỗ “to”, hơn nữa nó lại có hình dáng mỹ quan, thanh thoát, khi xe chạy với tốc độ cao rất êm và an toàn. Còn đặc điểm của xe hơi Nhật lại là “nhỏ”. Sự khác biệt to, nhỏ này về cơ bản chỉ liên quan tới tiềm lực kinh tế quốc gia và không liên quan gì đáng kể về mặt chất lượng cũng như tính năng của xe hơi.
Thế nhưng, người Mỹ do đã lái quen với loại xe hơi to rồi nên không thể nào quen với loại xe “tí hon”. Do đó, mới đầu xe hơi Nhật tung ra bán ở thị trường Mỹ gặp rất nhiều khó khăn và khá ế. Thế nhưng tình trạng “khủng hoảng nhiên liệu” đã trở thành một dịp may không thể nào ngờ tới cho xe hơi Nhật.
Trong những năm 70, hai đợt khủng hoảng xăng dầu, đã làm giá xăng tăng lên hơn 5 lần. Lúc này, người Mỹ mới cảm thấy mệt mỏi về gánh nặng của loại xe hơi lớn. Còn xe hơi Nhật nhỏ, chẳng những giá rẻ, lại tiết kiệm xăng, tiền bảo dưỡng cũng rẻ, thế là người Mỹ thay đổi không dùng loại xe to của Mỹ mà đua nhau sắm xe hơi nhỏ của Nhật.
Năm 1970, xe hơi Nhật chỉ bán được 1300 chiếc, ít một cách thảm hại; nhưng đến năm 1973 đã vọt lên đến 15 vạn chiếc, con số bán được tăng nhanh đến chóng mặt. Từ đó, xe hơi Nhật mới coi như đứng vững được ở thị trường Mỹ, và giành được vị trí hàng đầu. Tiếp sau đó, ngành xe hơi Nhật lại tung ra loại xe Pick-UP Truck, là loại xe trung gian giữa xe tải và xe du lịch, có hai tác dụng vừa chở người, vừa chở hàng hóa, chuyên dùng cho các xí nghiệp vừa và nhỏ và cung cấp cho nông dân.
Năm 1980 bán được 50 vạn chiếc, năm 1982 lại tăng lên 75 vạn chiếc, buộc các công ty xe hơi Mỹ cũng phải lao vào cạnh tranh ở thị trường này. Xe hơi Nhật sở dĩ có thể chiếm lĩnh thị trường Mỹ, “sáng kiến tiêu thụ” chủ yếu là ở chỗ kiên trì đặc điểm “nhỏ” của nó.