14 lời khuyên để “tiền bạc làm việc chăm chỉ”

1. Sử dụng thẻ quà tặng cho các khoản chi tiêu nhỏ
Với các khoản chi nhỏ có thể tích lại theo thời gian như thói quen uống cà phê Starbucks hằng ngày hoặc mua nhạc trên iTunes, thì bạn hãy cân nhắc mua cho mình một thẻ quà tặng và coi chúng một khoản được đưa vào ngân sách từ đầu mỗi tháng.  Sau đó hãy làm và tận hưởng những ly cà phê sữa, những chiếc bánh nướng hay các ứng dụng cho tới khi thẻ của bạn hết hạn.

Natalie Taylor, một chuyên gia hoạch định tài chính cho rằng: “Việc này khiến bạn dễ theo dõi các khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày. Thêm nữa, bạn sẽ cảm thấy đặc biệt hơn và không thấy tội lỗi khi trả tiền bằng thẻ quà tặng”.
2. Thoải mái sáp nhập các món tiền của bạn
Nếu bạn mới bắt đầu chia sẻ các quyết định tài chính với một người quan trọng khác, thì nhà hoạch định tài chính Stephany Kirkpatrick gợi ý bạn nên giữ một tài khoản ngân hàng giống như một “quỹ đen” để mỗi tháng bạn bỏ ra một số tiền dùng cho một hoặc hai khoản chi phí chung.
Kirkpatrick gợi ý: “Bạn có thể sử dụng nó để trả cho các buổi tối hẹn hò, một kỳ nghỉ hoặc một vụ mua sắm lớn mà bạn muốn thực hiện cùng nhau. Việc này giúp giảm gánh nặng của việc phân vân không biết ai sẽ trả tiền cho những thứ gì - và đó là cách hay để bạn đóng góp cho các khoản chi phí chung”.
Sau một vài tháng, bạn có thể đóng đủ tiền cho một tài khoản để trang trải các hóa đơn lớn hơn nếu các bạn sống cùng nhau và khái niệm đóng góp tài chính sẽ không quá ngợp như bạn nghĩ.
3. Hãy thông minh với các khoản bảo hiểm
Tom Gilmour, một chuyên gia hoạch định tài chính CFP® chia sẻ: “Nhiều người đàm phán mua thêm thời hạn bảo hành với các thiết bị điện tử hoặc bảo hiểm điện thoại di động”. Ông khuyên nên bỏ qua những vụ mua bán kiểu này và cân nhắc sử dụng món tiền đó để mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phòng trường hợp bị mất khả năng lao động.
David Blaylock, một chuyên gia hoạch định tài chính CFP® khác cũng đồng ý rằng:  “Bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phòng trường hợp bị mất khả năng lao động thường bị xem thường. Đây là điều không nên. Vì đối với hầu hết chúng ta, tài sản lớn nhất mà chúng ta có chính là khả năng kiếm thu nhập của chúng ta. Nếu chúng ta bị ốm hoặc chết đi và chúng ta mất khả năng đó, thì đó sẽ là một thảm họa tài chính. Tôi luôn bắt gặp nhiều khách hàng - những người có sẵn những lợi ích này thông qua các công ty mà họ làm thuê - nhưng lại từ chối đăng ký mua”.
4. Chiêu đãi bản thân
Nhiều chuyên gia hoạch định tài chính khuyên hãy chi tiêu những đồng tiền khó khăn mới kiếm được ngoài việc tiết kiệm nó.
Kirkpatrick khuyên: “Ghi ra tất cả những thứ dưới 30 đô la - những khoản phung phí hợp lý và nhỏ - và khi bạn cần chiêu đãi bản thân hoặc người nào đó đặc biệt, hãy lấy từ danh sách này”.
“Dù đó là một hũ sữa chua lạnh, một lớp yoga, một vài số báo bán chạy nhất của tờ New York Times hoặc một chai rượu thì 30 đô la có thể tạo cho bạn niềm hạnh phúc bạn cần mà không làm chệch tiến bộ bạn đã đạt được với các mục tiêu tài chính”.  
5. Tạo ra thỏa thuận tiền hôn nhân
Chuyên gia hoạch định tài chính Brandie Farnam chia sẻ: “Tôi gợi ý bạn nên có thỏa thuận tiền và hậu hôn nhân. Mọi người thường công bằng và vô tư khi mối quan hệ còn ổn định và hạnh phúc - nhưng khi chia tay có thể các bạn sẽ phải chiến đấu với nhau để giành lại từng thứ một”. Farnam nói thêm điều này đặc biệt quan trọng đối với những bà mẹ ở nhà làm nội trợ, đây là những người cần bảo vệ bản thân về mặt tài chính nếu họ lựa chọn nghỉ làm một thời gian để chăm sóc gia đình.
6. Tập sống bằng một nguồn thu nhập
Hãy nghĩ tới việc có một đứa con và thử quyết định xem liệu bạn có đủ tiền để trang trải khi chỉ có một người kiếm tiền hoặc cả hai đều nghỉ việc không? Farnam khuyên bạn bè của cô nên gửi hoàn toàn khoản thu nhập (mà họ nghĩ sẽ bị giảm hoặc mất đi) trong 6 tháng - và chỉ dùng khoản lương lương còn lại để trang trải các chi phí trong suốt giai đoạn đó.  
Cô cho hay: “Điều này sẽ giúp bạn hiểu cảm giác thật sự trước khi đưa ra quyết định nghề nghiệp lớn và không thể đảo ngược”.
7. Thiết lập tài khoản cho em bé mới sinh ngay lập tức
Nói về những đứa trẻ, Gilmour đã khuyên tất cả bạn bè mới làm cha mẹ của anh thiết lập tài khoản cho đứa con mới sinh - ngay cả khi họ không thể ngay lập tức đáp ứng được việc tiết kiệm cho việc học đại học của chính họ. Vì sao lại như vậy? Anh giải thích rằng: “Bạn có thể dùng nó để gửi số tiền là quà tặng của ông bà, cô dì chú bác và bạn bè dành cho đứa trẻ”.  
8. Đừng quên tiết kiệm cho niềm vui
Taylor khuyên tất cả bạn bè của cô cân nhắc mở một “tài khoản vui” để họ có thể chi tiêu mạnh tay mà không cảm thấy tội lỗi mỗi khi dùng. Taylor và chồng dùng “tài khoản vui” để mua một chiếc máy tập, trả thù lao cho huấn luyện viên Pilates, mua sắm quần áo dành cho thời kỳ hậu mang thai của cô.
Nếu điều này hiệu quả với ngân sách của bạn, thì Taylor gợi ý bạn nên “dành ra một số phần trăm nhất định trong thu nhập của bạn và tất cả các khoản tiền từ trên trời rơi xuống như các khoản phụ trội để đưa vào tài khoản này. Rất tốt nếu bạn bắt đầu với 10%”.
9. Giúp đầu tư mà không nghĩ ngợi gì
Bạn không muốn tuyển một chuyên gia tư vấn đầu tư hoặc không tự tin vào việc quản lý danh mục đầu tư của chính bạn? Chuyên gia hoạch định tài chính Elizabeth Sklaver khuyên bạn: “Hãy cân nhắc dùng quỹ phân bổ tài sản tất-cả-trong-một để giúp đảm bảo bạn luôn có sự phân bổ tài sản đa dạng”.
“Ngoài ra, khi thực hiện các vụ đầu tư, hãy đảm bảo kiểm tra danh sách miễn phí hoa hồng để không phải trả những khoản phí mà bạn có thể tránh được. Nếu bạn thường xuyên đóng góp đầu tư và trả phí cho mỗi thương vụ, thì bạn nên chuyển sang làm ăn với công ty khác”.
10. Đảm bảo cả hai vợ chồng đều tiết kiệm cho thời kỳ nghỉ hưu  
Bạn đang ở nhà nuôi con? Nếu có thể, bạn nên tiết kiệm cho những năm vàng của mình, Kirkpatrick chia sẻ: “Tôi đã khuyên các bạn gái của mình rằng nếu chọn nghỉ việc, họ cần tối đa hóa khoản tiết kiệm hưu trí. Theo cách này, các khoản tiết kiệm nghỉ hưu sẽ được tích lũy dưới tên họ, cộng thêm với khoản mà chồng họ tiết kiệm để dành cho tương lai”.
11. Điền vào các bản kê khai người thụ hưởng và luôn cập nhật thông tin
Kirkpatrick cho biết cô kinh ngạc khi thấy một số người đã nỗ lực tiết kiệm cho thời kỳ nghỉ hưu hay đăng ký để được hưởng lợi từ các khoản bảo hiểm nhân thọ - nhưng lại quên mất bước đơn giản là điền vào bản kê khai người thụ hưởng.
Cô chia sẻ: “Vì bản kê tên người thụ hưởng có thể thay thế cho di chúc, nên đây là một giấy tờ quan trọng cho phép chuyển tiền trực tiếp cho người thụ hưởng mà không cần phụ phí hoặc bản di chúc phức tạp”.
“Hãy nhớ rằng nếu có điều gì thay đổi - chẳng hạn bạn kết hôn hoặc ly dị- bạn cần cập nhật thông tin này trên mọi giấy tờ”.
12. Cho đi
Một trong những mẹo yêu thích của Blaylock là gì? Quyên tặng một phần số tiền mà bạn khó khăn mới kiếm được. Hãy chọn ra một số tiền bạn có thể dành ra để làm từ thiện mỗi năm và thực hiện cho đi một cách nhất quán. Ông cho hay: “Tôi nghe mọi người nói rằng họ sẽ làm từ thiện khi họ nhiều tuổi hơn. Nhưng tôi thấy rằng những người không có thói quen cho đi từ sớm thì hiếm khi trở thành người hảo tâm”.
13. Đánh giá các khoản lợi nhuận của công ty mà bạn đang làm thuê
Mắt bạn có thể đờ ra khi đọc những con số chi chít. Nhưng thực sự hiểu những điều bạn được cung cấp có thể giúp bạn tận dụng được các “khoản tiền miễn phí” như chương trình tiết kiệm hưu trí, tiết kiệm y tế hoặc lợi ích đi lại trước thuế. Gilmour cho rằng: “Ngoài ra, nếu bạn quyên góp cho tổ chức từ  thiện, nhiều công ty lớn sẽ sẵn sàng chập với số tiền của bạn, giúp số tiền của bạn đi xa hơn”.
14. Tạo ra một ngân sách
Nghe có vẻ không giống như lời khuyên từ những người trong ngành, nhưng các chuyên gia hoạch định tài chính thường nói họ bị sốc khi có rất ít người có ngân sách.
Blaylock cho rằng bạn nên bắt đầu bằng cách hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng sau: Các khoản chi cố định hàng tháng của bạn là bao nhiêu? Các khoản chi đột xuất hoặc hay dao động mỗi tháng của bạn là bao nhiêu? Thu nhập thực của bạn là bao nhiêu?
Khi đã có các câu trả lời, bạn có thể ngồi xuống vạch ra ngân sách hàng tháng để có thể giúp bạn đi đúng hướng trong việc đáp ứng các mục tiêu tài chính.

(Dịch từ Businessinsider)