CÂY RAU MÁ LÁ RAU MUỐNG

Cây rau má lá rau muống
-Tên gọi khác: Rau muống cuống rau răm, tiết gà, tam tróc, rau chua lè, hoa mặt trời, lá mặt trời...
-Tên tiếng Anh: Emilia, Red tassel-flower, lilac Tasselflower , cupid's shaving brush, Purple Sow Thistle....
-Tên Khoa học: Emilia sonchifolia L. ) DC.
-Tên đồng nghĩa: Emilia sonchifolia var. sonchifolia, Cacalia sonchifolia L.
-Các loài tương cận:
Emilia coccinea

Phân loại khoa học


Bộ (ordo):Cúc (Asterales)
Họ (familia):Cúc (Asteraceae)
Chi (genus):Hướng dương (Emilia)
Loài (species):Emilia sonchifolia

Phân bố

Chi Emilia là một chi thực vật thân thảo với khoảng 50-100 loài trong Họ Cúc, được gọi là tasselflower hoặc pualele. Các thành viên của chi này được phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Cây rau má lá rau muống (Emilia sonchifolia) ở Việt Nam mọc hoang khắp nới dọc bờ ruộng, hàng rào, bãi cát…

Mô tả

Cây rau má lá rau muống (Emilia sonchifolia) là loại cây thảo mọc hàng năm.
-Thân: Cây mọc thẳng đứng, cao 0,3-0,5m, võ thân nhẵn, màu xanh hoặc tím tía.
-Lá: Lá ở cây còn non, nom tựa như lá rau má, lá ở cây trưởng thành không cuống, có tai ở gốc, lá ở phía dưới cuống có cụm hoa dài tựa như lá rau muống, hình bầu dục không cuống gốc lá xoè rộng ôm lấy thân. Mép có răng cưa hay hơi chia thùy nhỏ.
-Hoa: Cụm hoa hình đầu, hình trụ , dài 8-9 mm, rộng 4 mm, thường tụ 2-4 chiếc, cuống gầy, dài 3-6cm. Hoa màu hồng hay hơi tím.
-Quả: Quả bế hình trụ, có một chùm lông trắng, dài 5mm, có gợn ngắn.
Cây mọc hoang khắp nơi, dọc bờ ruộng, hang rào, ven đường, bãi cát. Có nơi dùng làm rau ăn, vị đặc biệt, hơi chua và hơi đắng.

Cây rau má lá rau muống còn non

Hoa cây rau má lá rau muống

Thành phần hóa học

+Theo tài liệu phân tích ở Thái Lan:
Trong 100 g phần ăn được: nước 90 g, protein 2,2 g, chất béo 0,3 g, carbohydrate 5,3 g, chất xơ 1,1 g, tro 1,1 g. 
+Theo các nguồn phân tích khác:
Sơ bộ nhận thấy có stearin glycosid và có ít alcaloid. 
Năm hợp chất nổi tiếng được lấy từ toàn bộ cây RMLRM (Emilia sonchifolia) bằng phương pháp hóa học và quang phổ đã được xác định là các chất simiral, beta-sitosterol, stigmasterol, axit palmitic và axit mật ong.

Công dụng

a-Lá cây rau muống cuống rau má dùng làm rau
Ở Việt nam và một số nước vùng Đông Nam Á lá cây rau má lá rau muống được dùng làm rau để ăn chung với các loại rau tập tàng khác.
Lá cây RMLRM có vị hơi chua và hơi đắng, được dùng để ăn sống, luộc, xào hoặc nấu canh chua.
Tuy nhiên lá cây RMLRM được dùng làm thuốc là chủ yếu.

Cây rau má lá rau muống dùng làm rau

b-Các bộ phận cây Rau má lá rau muống (RMLRM) dùng làm thuốc
+Theo Đông y
-Ở Việt Nam
Theo Đông y, cây rau má lá rau muống (RMLRM) có vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, lương thuyết, thường dùng chữa viêm họng, ho, tiêu chảy, mụn nhọt...
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây phần trên mặt đất, thu hái quanh năm đem về rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô.
Liều dùng hàng ngày: Dùng 15 - 25g cây khô (hoặc 30 - 60g tươi) sắc uống. Dùng ngoài nấu nước rửa, giã đắp.
Trong dân gian Việt Nam, thường dùng toàn cây tươi, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sắc uống để chữa ho lâu ngày, hoặc ho lao và chữa sốt. Nước sắc dùng nhỏ mắt chữa đau mắt, nhỏ vào tai bị  viêm, rửa mụn nhọt. Có nơi dùng ăn như rau, vị đặc biệt, hơi chua và hơi đắng.
-Ở nước ngoài
Đông y Trung Quốc (Trung y) gọi là "dương đề thảo", "nhất điểm hồng", "hồng bối diệp"...
Liều dùng hàng ngày: Dùng 15-25 g cây khô (hoặc 30-60 g tươi) sắc uống. Dùng ngoài nấu nước rửa, giã đắp. (Theo Lương y Hư Đan-vietbao.vn).
Tại Trung Quốc, còn sử dụng để chế thuốc tiêm, chữa viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ đạt kết quả tốt.
Ở Ấn Ðộ dùng như chất hạ sốt trong viêm màng nhĩ ở trẻ em và đau ruột. Dịch lá dùng trị viêm mắt, quáng gà và đau tai. Rễ dùng trị ỉa chảy. 
+Theo Tây y
Theo Tây y cảnh báo trong cây Rau má lá rau muống (Emilia sonchifolia) có chứa độc tố tumorigenic pyrrolizidine alkaloids là chất có thể gây ra bệnh ung thư. Đây là loài cây độc không nên dùng!

Các bài thuốc Đông y từ cây rau má lá rau muống (RMLRM)

1-Chữa cảm sốt, viêm đường hô hấp trên, đau họng, lở miệng: Cây rau má, lá rau muống: 30 -50g tươi hoặc 15 - 30g cây rau má lá rau muống khô sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 3 lần uống/ngày hoặc ngậm và nuốt từ từ. Dùng liên tục cho đến khi khỏi hẳn. (Theo Bác sĩ  Thu Vân-suckhoedoisong.vn).
2-Chữa viêm họng: Rau má lá rau muống tươi 30g, rễ cỏ tranh, mỗi thứ 30g, sắc nước uống trong ngày. Dùng đến khi hết đau họng. (Theo Bác sĩ  Thu Vân-suckhoedoisong.vn).
3-Mụn nhọt: Dùng 50-100g toàn cây rau má lá rau muống tươi nấu nước rửa hằng ngày. Bên ngoài dùng lá tươi và hoa giã nhỏ đắp vào chỗ bị mụn nhọt. (Theo Bác sĩ  Thu Vân-suckhoedoisong.vn).
4-Ho lâu ngày: Cây rau má lá rau muống 30g, mộc hồ điệp 10g, nga bất thực thảo  20g, sắc với 500ml nước còn 100ml chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục từ 10 - 30 ngày. (Theo Bác sĩ  Thu Vân-suckhoedoisong.vn).
5-Viêm đường tiết niệu: Rau má lá rau muống 40g, mã đề 30g, dây bòng bong 30g, cây chó đẻ 20g. Sắc uống 7 - 10 ngày. (Theo Bác sĩ  Thu Vân-suckhoedoisong.vn).
6-Chữa tiêu chảy: Rau má lá rau muống 12g, lá ổi 12g, sắc lấy nước, chia ra 2 lần uống trong ngày. (Theo Bác sĩ  Thu Vân-suckhoedoisong.vn).
7-Chữa chín mé (sưng buốt đầu ngón tay): Hái một nắm rau má lá rau muống tươi, giã nát, đắp lên chỗ sưng đau, băng cố định lại. (Theo Bác sĩ  Thu Vân-suckhoedoisong.vn).
8-Chữa viêm tai giữa: Dùng cây rau má lá rau muống tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, nhỏ vào tai bị viêm, ngày nhỏ 3-4 lần, mỗi lần 2 giọt. (Theo Lương y Hoài Vũ- Hà Nội). 
9-Chữa viêm phổi nhẹ: Dùng RMLRM, sài đất, mỗi thứ 15 g, sắc uống trong ngày. (Theo Lương y Hư Đan-vietbao.vn).
10-Chữa viêm thận cấp: Dùng RMLRM 15 g, lá diễn 15 g, xa tiền thảo (mã đề) 12 g, sắc lấy nước chia ra 3 lần uống trong ngày. (Theo Lương y Hư Đan-vietbao.vn).
11-Chữa hậu bối, nhọt độc, sưng vú: Hái một nắm RMLRM tươi, giã nát với chút đường đỏ, đắp lên chỗ sưng đau, dùng băng cố định lại. (Theo Lương y Hư Đan-vietbao.vn).
Chú ý: Phụ nữ có thai không nên dùng.
Tài liệu cần đọc thêm

                                                                                Kỹ sư Hồ Đình Hải