'Muốn nói được tiếng Anh, phải tập viết tiếng Anh'

"Mỗi ngày dành ít nhất 15 phút, ngồi viết một mạch bằng tiếng Anh tất cả những gì bạn nghĩ, xong rồi xé bỏ trang giấy ấy đi", chuyên gia tư vấn tài chính cấp cao Võ Tá Hân, từng là chủ tịch Hội doanh nhân Canada ở Singapore, chia sẻ kinh nghiệm.

VTH-UniSIM-4936-1431577784.jpg
Chuyên gia kinh tế Võ Tá Hân.
Việc học một sinh ngữ đòi hỏi cần nắm vững ba yếu tố là đọc, nghe và viết. Vào thập niên 60 khi tôi bắt đầu học tiếng Anh thì việc đọc, cũng tương tự như các bạn trẻ bây giờ, là chuyện tương đối không khó. Chỉ cần chịu khó học thật nhiều từ vựng và nắm vững văn phạm là có thể đọc được sách ngoại văn. Muốn học nghe tiếng Anh vào nửa thế kỷ trước thì thật là vất vả vì lúc ấy không có những chương trình tiếng Anh trên đài phát thanh ngoại trừ những bản tin đọc chậm trên đài mỗi ngày.
Với phương tiện truyền thông dồi dào ngày nay thì việc học nghe và hiểu tiếng Anh cũng dễ dàng hơn nhiều cho các bạn trẻ. Thế nhưng dù xưa hay nay thì tôi nghĩ rằng khó nhất vẫn là việc nói. Có bao điều muốn nói, có đầy ắp ý tứ, thế nhưng mở miệng ra nói thì chữ chạy đâu mất tiêu!
Nếu bạn là những người gặp khó khăn trong việc học nói tiếng Anh, hay bất cứ một sinh ngữ nào khác, thì tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ như sau: Mỗi ngày bạn hãy dành ít nhất 15 phút, ngồi viết một mạch không ngưng nghỉ bằng tiếng Anh tất cả những gì đến trong tâm trí bạn lên đầy một trang giấy, xong rồi xé bỏ trang giấy ấy đi. Phương pháp này nghe thật giản dị nhưng rất hiệu quả, lý do sẽ được giải thích dưới đây.
Tại sao muốn học nói mà lại phải tập viết?
Thông thường khi mới học tiếng Anh, ai cũng nghĩ bằng tiếng Việt rồi mới dịch ra tiếng Anh. Lúng túng tìm chữ, quên đầu, quên đuôi, rồi đâm ra hoảng hốt, đến khi mở miệng ra nói thì không thành câu. Tất cả chỉ vì "đường dây" từ trên đầu đi xuống miệng bị... nghẽn mạch!
Để "khai thông kinh mạch" và đạt đến mức có thể "nghĩ gì nói nấy" bằng tiếng Anh, thì trước hết chúng ta cần phải vượt qua một giai đoạn trung chuyển là có thể "nghĩ gì viết nấy" bằng tiếng Anh. Động tác viết thì luôn luôn chậm hơn nói rất nhiều, vì vậy ta còn có thêm chút đỉnh thời gian để suy nghĩ, tìm chữ và sắp xếp câu văn.
Điều quan trọng nhất là phải viết liên tục không được ngừng bút để tìm chữ hoặc nghĩ cách đặt câu … Nếu khi trong viết có kẹt từ nào thì hãy cố gắng tìm từ khác để diễn đạt ý mình, dù cho phải viết dài dòng hơn. Khi đang viết, bạn cũng nên đọc và phát âm đúng, và nếu không có ai bên cạnh thì nên đọc to ra những gì đang viết ra trên mặt giấy.
Viết cái gì đây?
Hãy tưởng tượng mình đang nói chuyện với một người nước ngoài, giới thiệu cho họ về bản thân, kể chuyện làm ăn, chuyện bạn bè, thời tiết, gia đình, con cái v.v… và ngược lại, cũng đặt câu hỏi như khi đang trực tiếp nói chuyện với họ. Bạn cũng có thể viết lại công việc trong ngày như hôm nay đi đâu, gặp ai, có gì đặc biệt, kể lại một mẩu tin vừa đọc trên báo hoặc viết cảm nghĩ của mình như viết nhật ký. Tóm tắt là viết bất cứ chuyện gì đến trong tâm trí mình ngay lúc ấy, dù cho nó có thể hết sức … lẩm cẩm.
Mỗi lần viết, bạn cũng nên cố gắng dùng các từ mới học và nếu có gì khó khăn thì cũng cứ liều mạng viết không ngừng nghỉ. Đến khi viết xong đầy trang giấy, muốn tìm hiểu thêm về những chỗ trắc trở thì mới lật sách ra để tra cứu, hoặc tìm người giỏi để học hỏi.
Tại sao viết xong lại phải xé bỏ trang giấy ấy đi?
Một trong những lý do khiến chúng ta không quen nói là vì tự mình cảm thấy ngại ngùng, mắc cỡ, sợ người khác chê mình nói sai. Đôi khi mình không e thẹn đối với người nước ngoài mà chỉ ngại ngùng khi có các bạn bè người Việt đứng cạnh, nhất là người giỏi ngoại ngữ hơn mình. Do đó khi biết rằng sau khi viết xong sẽ xé bỏ trang giấy ấy đi, tuyệt đối không cho ai xem cả, thì trong thâm tâm bạn sẽ cảm thấy thoải mái, không còn ngại ngùng mắc cỡ với ai cả. Chỉ như vậy là một thời gian ngắn thì cái "đường dây" sẽ được thông suốt, bạn sẽ có thể nói tiếng Anh dễ dàng hơn.
Nói được trơn tru nhưng còn cách phát âm thì sao? Theo tôi thì đây chỉ là vấn đề nghe và bắt chước, tương tự như việc học hát. Người có khiếu thì sẽ phát âm rất chuẩn hay học hát rất nhanh còn nếu không có khiếu thì sẽ mất nhiều thời gian hơn. Điều quan trọng trước hết vẫn là "có cái gì để nói" (what to say) hơn là "nói thế nào" (how to say)!
Võ Tá Hâ
n