Đông y trị đau thắt ngực

Đông y trị đau thắt ngực


Dong y tri dau that nguc
Đau thắt ngực là tình trạng thường gặp trong bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn biến ngày càng xấu hơn và có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân là do xơ vữa động mạch (90%). Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, do cơ địa hoặc do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, những mảng xơ vữa tích đọng lâu ngày ở thành mạch làm hẹp dần lòng mạch, làm giảm lượng máu và dưỡng khí cần thiết để nuôi dưỡng cơ tim. Bên cạnh đó là những căng thẳng về tâm lý, khi làm việc mệt nhọc hoặc sau một cố gắng về thể lực.
Cây đan sâm.
Theo y học cổ truyền, đau thắt ngực thuộc phạm vi chứng tâm thống, do tổn thương ở 2 tạng tâm và tỳ. Biểu hiện chủ yếu là người bệnh có cảm giác nặng ngực hoặc như bị bóp chặt lồng ngực ở bên ngực trái sau xương ức. Cơn đau có thể lan lên vai trái, lên cằm hoặc chuyển xuống mặt trong cánh tay trái. Đôi khi người bệnh có cảm giác như bị ngộp thở, mặt tím tái, vã mồ hôi. Cơn đau thường kéo dài từ vài phút đến 10 - 15 phút. Người bệnh sẽ trở lại bình thường sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch. Nếu cơn kéo dài trên 30 phút, dùng thuốc giãn mạch không đỡ phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim. Ngoài việc dùng thuốc theo y học hiện đại, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc của y học cổ truyền nhằm chống co thắt, hoạt huyết thông mạch, dưỡng tâm an thần để giải tỏa cơn đau thắt ngực.
Bài 1: xuyên khung 16g, đương quy 16g, đinh lăng 20g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, bạch quả 12g, lạc tiên 16g, tang thầm 12g, bạch linh 10g, cam thảo 12g. Cho các vị vào ấm, đổ 1 lít nước, sắc còn 350ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
Bài 2: ích mẫu 20g, đinh lăng 20g, đan sâm 16g, hoàng kỳ 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, thủ ô chế 12g, đại táo 12g, tam thất 10g, trinh nữ 16g, kê huyết đằng 16g, táo nhân (sao đen) 16g, bạch linh 10g, tang diệp 20g. Cho các vị vào ấm, đổ 1 lít nước, sắc còn 350ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
Bài 3: Cát căn 20g, phục thần 10g, lá đinh lăng 20g, đan sâm 16g, ngũ gia bì 16g, sơn tra 12g, bạch thược 12g, đại táo 12g, cam thảo 12g, trần bì 12g, bạch linh 12g, táo nhân (sao đen) 16g, tang diệp 20g, đương quy 12g, ích mẫu 16g. Cho các vị vào ấm, đổ 1 lít nước sắc còn 350ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
Ngoài việc dùng thuốc, nên kết hợp ăn uống để hỗ trợ điều trị:
Cháo tim lợn.
Bài 1: Cháo tim lợn đan sâm: tim lợn 1 quả, đan sâm 20g, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Tim lợn làm sạch, thái lát mỏng, ướp gia vị. Phi hành mỡ cho thơm, bỏ tim lợn vào xào chín, để riêng. Đan sâm sắc lấy nước, dùng nước thuốc này cùng gạo nấu thành cháo, cháo chín kỹ thì cho tim lợn đã xào vào, thêm gia vị, chanh ớt, rau thơm trộn đều ăn nóng.
Bài 2: Cháo lưỡi lợn táo nhân: lưỡi lợn 1 cái, táo nhân 16g, gạo tẻ 80g, đậu xanh xay 40g, gia vị vừa đủ. Lưỡi lợn thái nhỏ, ướp gia vị, phi hành mỡ cho thơm, bỏ lưỡi lợn vào xào chín, để riêng. Táo nhân sao đen, tán bột mịn để riêng. Gạo cùng đậu xanh nấu thành cháo. Khi cháo chín kỹ, cho lưỡi lợn, bột táo nhân vào trộn đều, cho rau thơm, gia vị ăn nóng.
Lương y: Văn Trịnh